Công ty Điện lực Bình Phước: Tự hào là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế

11:33:50 | 1/11/2017

Công ty Điện lực Bình Phước tiền thân là Điện lực Bình Phước là doanh nghiệp Nhà nước hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam – Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong 20 năm qua, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh, Công ty đã có những điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trò chuyện cùng ông Đỗ Văn Hờn, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước. Hàn Lương thực hiện.

Xin ông chia sẻ những thành tựu của Công ty thời gian qua bằng những thông số cụ thể?

Trong năm 2017 vừa qua, toàn tỉnh có 98,4% xã có điện (năm 1997 chỉ có trên 30% số xã có điện); đã đầu tư xây dựng 8 trạm 110kV với tổng công suất 498 MVA (trước đó toàn tỉnh chỉ có 4 trạm biến áp trung gian với tổng công suất 18,2 MVA). Từ đầu năm đến nay, nhiều công trình đã được thực thi, đơn vị đã hoàn tất đóng điện trạm 110kV Đồng Phú công suất 63MVA; nâng công suất trạm biến áp 110kV Chơn Thành, Phước Long từ 1 máy 40MVA lên thành 2 máy 40MVA…. Công ty cũng đã triển khai 38 công trình với khối lượng đầu tư, đường dây trung áp 143,70km, đường dây hạ áp 92,05 km, dung lượng trạm biến áp 24,5MVA với tổng mức đầu tư là 176 tỉ đồng. Trong giai đoạn 1997-2017, ngành đã đầu tư khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng để xây dựng lưới điện phân phối. Cũng nhờ vậy trong giai đoạn này, công tác đầu tư sản lượng điện thương phẩm của Công ty đạt 1.420 triệu kWh (tăng 40,71 lần so với năm 1997, tăng bình quân 19,85%/năm); sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho ngành công nghiệp tăng bình quân 21,15%/năm.

Bên cạnh những thuận lợi, đơn vị có gặp những khó khăn gì?

Bên cạnh những thuận lợi, Công ty Điện lực Bình Phước cũng gặp không ít thách thức. Bình Phước là một tỉnh miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trên địa bàn rộng, phức tạp, nên việc đầu tư lưới điện tại các khu vực này còn khó khăn. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất của toàn tỉnh ngày một tăng, đặc biệt là cấp điện cho các CCN, KCN. Song thực tế nguồn vốn đầu tư của ngành điện nói chung và Công ty còn nhiều bất cập. Bởi hàng năm đơn vị chỉ cân đối đủ vốn để cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện, chống quá tải hệ thống nhằm đảm bảo cho nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ được mở rộng, do đó kéo theo phải di dời lưới điện hiện hữu theo các tuyến đường, trục đường bộ hết sức khó khăn. Và việc trồng trụ điện theo Nghị định 11/2010/NĐ-CP và Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ là rất khó thực hiện vì trụ điện phải nằm ngoài hành lang bảo vệ đường bộ, tuy nhiên nếu nằm ngoài hành lang bảo vệ đường bộ thì trụ điện phải trồng vào đất của nhân dân vướng nhà cửa, cây cối của nhân dân, do đó công tác đền bù rất tốn kém và không khả thi. Về hành lang an toàn lưới điện cao áp, với thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng tỉnh Bình Phước có diện tích cây công nghiệp có giá trị cao như tiêu, điều đặc biệt là cao su trải rộng trên toàn tỉnh, việc phát quang giải tỏa khi thi công các công trình điện cũng nhu việc bảo trì lưới điện là rất tốn kém về kinh tế, thời gian.

Trước nhu cầu năng lượng tăng cao như hiện nay, ngành điện Bình Phước đã có giải pháp gì đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội?

Kinh tế tỉnh cũng như nước nhà đang trên đà phục hồi và phát triển. Nhu cầu về điện để phục vụ sản xuất và tiêu dùng cũng vì thế ngày càng tăng. Do đó, Công ty cũng hy vọng các doanh nghiệp sử dụng điện theo hướng hiệu quả và tiết kiệm. Tất nhiên, để làm được điều đó thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, ít tiêu tốn nhiều năng lượng. Đi liền với đó, bản thân Công ty cũng đã không ngừng chú trọng vào công tác tuyên truyền, thông qua phối hợp với Trung tâm khuyến nông và tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện chuyên mục “Tiết kiệm năng lượng” với chủ đề” Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh – Thực trạng và giải pháp”. Cũng như phối hợp với Đài phát thanh – Truyền tỉnh thực hiện phát sóng tuyên truyền tiết kiệm điện.

Trong các năm qua, ngành điện nói chung và Công ty nói riêng đã huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), vốn vay của tỉnh để đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới…. Thời gian tới đơn vị sẽ nỗ lực đưa điện về nông thôn để làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Hàn Lương