Phát triển đặc khu kinh tế: Tạo cơ chế, chính sách đột phá để có động lực phát triển

15:13:14 | 28/2/2018

Phát triển đặc khu kinh tế được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên phải tìm ra một mô hình phát triển đặc khu kinh tế phù hợp nhất. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trò chuyện với TS. Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbirght. Anh Phương thực hiện.

Xin ông cho biết quá trình hình thành phát triển đặc khu kinh tế tại Việt Nam?

Thực tế, tại Việt Nam câu chuyện xây dựng phát triển đặc khu kinh tế không phải bây giờ chúng ta mới nói tới mà đã có từ trước đây. Tôi còn nhớ, Phố Hiến, Hội An đã có yếu tố của đặc khu kinh tế. Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cũng đã được hình thành từ năm 1979 nhưng vì một số lý do đã bị chuyển thành đơn vị hành chính cấp tỉnh sau đó.

Còn đến thời điểm hiện tại cả hệ thống chính trị và Chính phủ đều nhận thấy những lợi ích to lớn mà các đặc khu kinh tế đem lại nên đã có động thái, cơ chế chính sách tích cực để đẩy nhanh quá trình này hơn. Hiện Việt Nam đang tập trung nguồn lực để hình thành 3 đơn vị hành chính đặc biệt bao gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) theo tinh thần của dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì soạn thảo.




Thưa ông, Việt Nam có nên tham khảo, học tập kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế của các nước đi trước không?

Theo tôi, học tập kinh nghiệm hình thành phát triển thành công đặc khu kinh tế của các quốc gia trên thế giới là điều cần thiết. Trong bối cảnh nguồn lực chúng ta có hạn, cần phải đi tắt đón đầu, thừa kế những thành quả đã có từ trước.

Hai trường hợp điển hình trong mô hình phát triển khu kinh tế đáng cho Việt Nam học hỏi là qua hai quốc gia láng giềng, Trung Quốc và Singapore. Tôi được biết, trước khi có sự phát triển thần kỳ như hiện nay, đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc chỉ là một làng chài nhỏ, nghèo nằm trên vùng đồng bằng sông Châu Giang, cạnh Hồng Kông. Dân số lúc đó chỉ có 30.000 nghìn người dân. Nhưng hiện tại, Thẩm Quyến là “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư của Trung Quốc đại lục với hệ thống một siêu đô thị hoàn chỉnh, hơn 12 triệu dân với GDP đạt 294 tỷ USD trong năm 2016.

Để làm được điều này, chính quyền Thẩm Quyến đã có những chính sách đột phá táo bạo về Hợp đồng lao động, nhập cư. Đặc biệt khi một nhà đầu tư vào Thẩm Quyến sẽ được hưởng ưu đãi 2 năm không phải đóng thuế thu nhập, giảm 50% cho 8 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp mới cũng được giảm 50% tiền đất.

Việt Nam cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng làm đặc khu kinh tế sẽ thành công, hay nền kinh tế sẽ cất cánh. Phải nhớ rằng, trước khi thành công như ngày hôm nay, cả Trung Quốc và Singapore đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng chu đáo về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đội ngũ nhân sự dồi dào có trình độ kỹ thuật cao. Và đặc biệt hơn cả họ tận dụng được tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của cộng đồng người Hoa ở cả Singapore, Hồng Kông.

Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để chủ trương hình thành đặc khu kinh tế sớm thành công?

Qua tìm hiểu thực tiễn, tôi thấy hiện nhiều cơ quan ban ngành còn nặng về tư duy phát triển cục bộ. Bởi trong một thời gian dài đã chứng kiến cảnh, vùng miền nào cũng kỳ công bằng được ra Trung ương xin chỉ tiêu, cơ chế, rót vốn vào địa phương mình. Thậm chí dẫn đến tình trạng quá tải, tràn lan đầu tư công, đầu tư dàn trải không đúng trọng tâm trọng điểm, lãng phí nguồn lực.

Chìa khóa cho phát triển chính là chúng ta phải tạo ra những cơ chế chính sách đột phá đủ mạnh và tốt thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Trao quyền tự quyết nhiều hơn cho địa phương, bởi chỉ địa phương đó mới hiểu làm thế nào để phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Tuyệt đối tránh tư duy cục bộ, thiếu tính liên kết, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương với nhau.

Có hai yếu tố chi phối quan trọng trong thành công khi xây dựng phát triển đặc khu kinh tế là nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông.

Chúng ta đã nói nhiều nhưng trong khi tại thành phố Thượng Hải -Trung Quốc có 500km tàu điện ngầm để kết nối giao thông hạ tầng với các mục đích kinh tế - chính trị - xã hội rất nhanh chóng thì hai đầu tàu kinh tế của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lại chưa có một km nào. Đây là điều Chính phủ cần tập trung xử lý, điều chỉnh, bởi nếu không có hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ rất khó để phát triển.

Một vấn đề khác là lao động, chúng ta phải tính được rằng, sẽ phải sử dụng ngay chính nguồn lao động tại địa phương, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”. Thực tế cho thấy nhiều con em địa phương sau khi đi tu nghiệp lại không quay về phục vụ, trong khi đây chính là lực lượng lao động có thể sử dụng lâu dài về sau để bồi dưỡng phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!