00:00:00 | 1/4/2014
Với kinh nghiệm phát triển các KCN và các chính sách hỗ trợ của mình, suốt những năm qua Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nằm trong top những địa phương thu hút FDI mạnh nhất cả nước. Ông Nguyễn Anh Triết – Quyền Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh khẳng định: “Việc phát triển hiệu quả các KCN đã góp phần quan trọng giúp cho GDP của tỉnh luôn ở mức tăng trưởng cao”. Kim Băng thực hiện.
Trong hơn 20 năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện có hiệu quả tiến trình CNH-HĐH kinh tế địa phương. Thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ từ sự phát triển các KCN trên địa bàn. Xin ông cho biết cụ thể hơn những đóng góp này?
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 9 KCN. Tuy nhiên do yêu cầu phát triển nên tỉnh đã triển khai thêm 5 KCN mới, nâng tổng số KCN hiện nay lên 14 khu với tổng diện tích 8.401,58 ha. Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Ban Quản lý các KCN tỉnh vẫn tích cực trong các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi và hỗ trợ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh nhà. Với tiêu chí "Tất cả vì sự hài lòng của nhà đầu tư", Ban luôn chú trọng phục vụ tốt, cởi mở, thân thiện với tất cả các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại địa bàn, từ đó tạo sự lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư tiếp theo. Ngoài ra Ban quản lý còn chủ động thay đổi cách thức xúc tiến đầu tư, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm và bài bản hơn, đã xúc tiến theo từng dự án, từng khu vực và từng ngành cụ thể. Đồng thời kết hợp với UBND tỉnh và các Sở ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông ra nước ngoài thông qua các nhà đầu tư Nhật Bản, các cơ quan ngoại giao, Tổ chức Hợp tác Quốc tế JICA Nhật Bản, các tổ chức phi Chính phủ… nhằm giới thiệu về tiềm năng sẵn có của tỉnh và môi trường đầu tư tốt của các KCN trên địa bàn tỉnh.
Với những nỗ lực trên, dòng vốn đầu tư đổ vào các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng nhiều. Hiện nay, tổng vốn đầu tư đăng ký tại các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu là 12,53 tỷ USD; trong đó vốn đầu tư FDI là 8,2 tỷ USD chiếm 66% tổng vốn đầu tư đăng ký. Mặc dù những năm gần đây, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới nhưng dòng vốn FDI thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh vẫn khả quan, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trước khi các KCN ra đời, năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (không tính công nghiệp dầu khí) còn ở quy mô nhỏ bé, chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực sơ chế nông - lâm - hải sản, may mặc, giày da, khai thác vật liệu…có công nghệ sản xuất giản đơn, sử dụng nhiều lao động chân tay, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Các KCN đi vào hoạt động đã góp phần hình thành nền tảng sản xuất công nghiệp với quy trình công nghệ hiện đại, chi phí sản xuất thấp nên sản phẩm sản xuất có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thông qua phát triển KCN, một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật mới được hình thành làm biến đổi bộ mặt của vùng và lãnh thổ, tác động tích cực tới sự ra đời và phát triển nhanh hơn các khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Quan trọng hơn, hoạt động của các KCN đã góp phần hình thành một lớp người lao động mới, sáng tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tiếp thu tốt công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra ngày càng nhiều của cải cho xã hội. Hiện nay các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút được 43.159 lao động, đạt 3,41 lao động/ triệu USD, 22,38 lao động/ha. Đây là lực lượng lao động trực tiếp đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đặc biệt thông qua phát triển KCN đã góp phần nâng cao được hiệu quả sử dụng đất; đồng thời cho phép khai thác nhanh nhất, hiệu quả nhất tiềm năng thế mạnh sẵn có, tác động tích cực đến quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.
Có thể thấy hiện nay hầu như tỉnh, thành phố nào trong cả nước cũng có KCN với những lợi thế cạnh tranh riêng của từng địa phương. Vậy đâu là lợi thế cạnh tranh của các KCN tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như hướng khai thác hiệu quả những lợi thế này?
Có được thành công ngày hôm nay, chủ yếu do các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu đã tận dụng được các tiện ích hạ tầng từ hệ thống cảng biển nước sâu (nhóm cảng biển số 5) để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, chính vì vậy đã thu hút được nhiều dự án quy mô sản xuất và vốn đầu tư lớn đầu tư vào tỉnh. Ngoài ra do tận dụng được lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi, cùng những kinh nghiệm rút ra từ những địa phương khác nên các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu luôn thỏa mãn và tạo ấn tượng với các nhà đầu tư. Các KCN của tỉnh tuy ra đời muộn hơn so với tỉnh, thành khác trong khu vực nhưng đến nay, nếu xét trên tiêu chí qui mô, diện tích, tổng vốn đầu tư thu hút, đóng góp ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Trong quá trình quy hoạch và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, công tác bảo vệ môi trường; đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải (XLNT), chất thải rắn, thảm cây xanh tại các KCN… đảm bảo tính hài hòa và thân thiện với môi trường được Ban Quản lý chú trọng ra sao? Đối với những vi phạm trong lĩnh vực này sẽ có những chế tài nghiêm khắc nào để gia tăng tính răng đe đối với các doanh nghiệp khác?
Tất cả các KCN trên địa bàn đều bố trí quy hoạch đảm bảo diện tích cây xanh trên 10% tổng diện tích đất KCN. Ngoài ra các KCN khi đi vào hoạt đồng đều phải xây dựng hệ thống XLNT tập trung; tổng kết đến nay đã có 8 Nhà máy XLNT tập trung trong các KCN. Về vấn đề xử lý chất thải rắn, ngoài các dự án đầu tư chất thải rắn tại khu 100 ha Tóc Tiên, hiện trong KCN có bố trí dự án vật liệu xanh xử lý chất thải xỉ thép; chính vì vậy về cơ bản các chất thải rắn trong các KCN đã được giải quyết.
Đối với các vi phạm về môi trường trong KCN, nếu phát hiện Ban Quản lý sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định trong trường hợp vượt quá thẩm quyền của Ban.
Xin ông chia sẻ thêm về chiến lược kêu gọi đầu tư vào các KCN tỉnh trong thời gian tới?
Hiện Ban quản lý đang tập trung xây dựng và đề xuất Chính phủ, Bộ Kế hoạch&Đầu tư và các Bộ ngành liên quan, từng bước đưa KCN Phú Mỹ III trở thành KCN chuyên sâu thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong thời gian tới, các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI, mục tiêu là thu hút và kêu gọi đầu tư ở nhiều thị trường khác nhau. Định hướng thu hút đầu tư vào các KCN hoàn toàn phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh, tập trung vào hai lĩnh vực: phát triển dịch vụ hậu cần (logistics) và ngành công nghiệp phụ trợ vốn là các lĩnh vực mà nhà đầu tư Nhật Bản có lợi thế. Đặc biệt các KCN cũng sẽ chủ động thu hút các dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn có sức lan tỏa cao.
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc