10:48:36 | 7/12/2010
Trong nhiều năm qua, các khu công nghiệp (KCN) có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là đầu mối quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng nếu đánh giá một cách công bằng và khách quan thì nhìn chung, các KCN vẫn chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ và chưa xứng tầm.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông, nhìn chung, các KCN có sự phát triển không đồng đều ở nhiều địa phương. Nhiều KCN, chưa tạo được dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ lấp đầy các dự án vẫn chỉ là những con số...
Thực tế thời gian qua, nếu như vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong giai đoạn cuối những năm 90 thì vài năm gần đây việc thu hút đầu tư vào các KCN có chiều hướng giảm dần. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì cơ chế và chính sách phát triển KCN vẫn còn tồn tại nhiều điểm vướng mắc, bất hợp lý. Kết quả là, việc đầu tư phát triển các KCN không theo một quy hoạch thống nhất, hầu như địa phương nào cũng có các KCN với chức năng tương tự nên không tận dụng được những lợi thế so sánh, dẫn tới tình trạng cạnh tranh gay gắt, thậm chí chèn lấn để thu hút đầu tư, cạnh tranh khốc liệt. Điều này không chỉ dẫn tới tốn kém và chôn vốn vào xây dựng kết cấu hạ tầng mà còn làm hiệu quả của các KCN bị giảm sút.
Việc chọn địa điểm xây dựng các KCN cũng do không theo một quy định cụ thể nào nên các KCN được lập nhiều hơn mức cần thiết tại một số địa phương trong khi tỷ lệ lấp đầy lại lại không tương xứng.
Giá đất cao cũng khiến nhiều chủ đầu tư xin phép thành lập các KCN để hưởng ưu đãi thuế đất. Hệ lụy là nhiều KCN tỷ lệ lấp đầy chỉ bằng 45% diện tích. Không ít KCN thành lập 4-5 năm mà chưa có khách đến thuê, hoặc số lượng thuê hạn chế như: KCX Hải Phòng, KCN Sài Đồng A Hà Nội, KCN Kim Hoa Vĩnh Phúc...
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư thu hút vào các KCN đòi hỏi đội ngũ lao động tay nghề cao, kỷ luật lao động tốt, song đa số các địa phương không đáp ứng được. Nhưng ngay cả những công nhân đang làm việc tại các KCN cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tại các KCN mới có khoảng 30% số lao động có chở ở ổn định, số còn lại phần lớn phải tự thuê nhà, với điều kiện sống tạm bợ…
Đại diện Bộ KH - ĐT cho biết, bên cạnh việc phối hợp với các ngành, địa phương trong việc xây dựng, sớm ban hành một quy hoạch tổng thể phát triển các KCN, trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thức hiện quy định về bảo vệ môi trường. Bộ cũng đã tính tới cả phương án, nếu KCN nào chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét cho dừng hoạt động.
Đối với cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho KCN, KCX, Bộ sẽ tổng hợp ý kiến báo cáo Thủ tướng và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung, nâng cao hiệu quả hỗ trợ vốn. Ngoài ra, Bộ KH - ĐT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và có phương án điều chỉnh pháp luật về thuế để đảm bảo ưu đãi đầu tư vào KCN như trước đây. Đồng thời, Bộ KH - ĐT đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu, xem xét trên cơ sở ý kiến của các địa phương để điều chỉnh quy định hiện hành về giá đất đền bù GPMB cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo lợi ích cho người dân, DN và Nhà nước…
Theo KT&DT01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI