Khu kinh tế Dung Quất thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài

02:47:19 | 10/1/2011

Tính đến thời điểm này có 113 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng vốn đăng ký khoảng 9,3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 12 nghìn lao động.

Hôm nay 8/1, Ban Quản Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xây dựng, phát triển KKT và Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

14 năm, 113 dự án đầu tư tại Dung Quất

Ngày 16/8/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Ban quản lý Khu công nghiệp Dung Quất để giúp Thủ tướng chỉ đạo việc xây dựng và phát triển Khu công nghiệp này theo đúng quy hoạch, kế hoạch, tiến độ đề ra.

Sau một thời gian xây dựng và thu hút đầu tư, đến năm 2005, Khu công nghiệp Dung Quất đã lớn mạnh về cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội và được chuyển thành KKT Dung Quất ngày nay, có quy chế hoạt động riêng theo Quyết định của Thủ tướng.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển Dung Quất trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu – hóa dầu- hóa chất, các ngành công nghiệp nặng có quy mô lớn, như cơ khí, đóng tàu và sữa chữa tàu biển, luyện cán thép, sản xuất xi măng, sản xuất container….gắn với phát triển và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay quốc tế Chu Lai và đô thị công nghiệp – dịch vụ Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi.

Sau 14 năm xây dựng và phát triển, hiện KKT Dung Quất được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công trong cả nước, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 18,53%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 53,6%, đóng góp và sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ngãi.

Hiện Dung Quất đã hình thành Tổ công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam, gồm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy chế biến tạo thiết bị nặng, nhà máy nhựa, nhà máy luyện cán thép và đang chuẩn bị hình thành nhà máy nhiên liệu sinh học….

Tính đến thời điểm này đã có 113 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KKT Dung Quất với tổng vốn đăng ký khoảng 9,3 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 12 nghìn lao động.

Phát biểu tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, kết quả đạt được sau 14 năm hình thành và phát triển KKT Dung Quất đã khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong việc định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Áp dụng mô hình Thành phố cho KKT

Để tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư và phát triển bền vững KKT Dung Quất trong 5 năm tới, Ban Quản lý KKT đã đề ra các giải pháp và định hướng phát triển gồm sớm hoàn chỉnh cơ chế chính sách áp dụng đối với KKT Dung Quất, đồng thời cho phép áp dụng mô hình Thành phố cho KKT này nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển Dung Quất.

Tiếp tục hoàn thiện KKT Dung Quất I, tập trung phát triển KKT Dung Quất II, với việc mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt công suất 10 triệu tấn/năm và các dự án khác. Phấn đấu đến năm 2015, đưa Dung Quất trở thành Trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm công nghiệp nặng và là cụm cảng quy mô lớn của đất nước.

Một trong các biện pháp là lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có thương hiệu; phát triển hài hòa, cân đối các yếu tố công nghiệp, đô thị, nông-lâm-ngư nghiệp và nông thôn.

Tiếp tục thu hút đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm giải quyết việc làm cho người dân địa phương, giải quyết tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các vấn đề an sinh xã hội. Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo KKT Dung Quất phát triển bền vững.

Theo VGP