Tạo bệ phóng cho các sản phẩm OCOP từ chuyển đổi số

14:16:42 | 3/11/2021

Tăng cường chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là mục tiêu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) đặt ra trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, để chương trình phát triển đúng hướng, thực chất đem lại lợi ích cho người dân, cần nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như người dân.

Theo Thứ trưởng NN và PTNT Trần Thanh Nam, phát triển chương trình OCOP giai đoạn tới cần theo hướng kinh tế tuần hoàn trong nông thôn, bảo đảm hiệu quả, bền vững theo sáu nội dung: Quản lý được tài nguyên bền vững và bảo tồn được đa dạng sinh học; Xây dựng được chương trình phát triển thực phẩm bền vững; Nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện mỗi địa phương; Bảo đảm được chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ; Bảo tồn phát triển ngành nghề nông thôn gắn với vùng nguyên liệu; Phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, cần xây dựng Trung tâm sáng tạo tại mỗi địa phương theo hướng xã hội hóa phục vụ thúc đẩy chương trình OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh văn phòng điều phối NTM T.Ư cho biết: Trên nền tảng chuyển đổi số chúng ta giúp các khách hàng trao đổi, chia sẻ, bán sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra sản phẩm hướng tới một tiêu chí thống nhất của thị trường quốc tế và thị trường trong nước. Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số kiểm tra từ vùng nguyên liệu, áp dụng tiêu chuẩn chung.

Hướng tới mục tiêu đưa các chủ thể OCOP tham gia vào nền tảng sàn thương mại điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ đồng hành cùng bà con nông dân, các HTX và các doanh nghiệp trong việc mở rộng các kênh bán hàng trên các nền tảng số.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông – bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Tổ trưởng tổ 1034 cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Bưu chính Viettel triển khai nhiều hoạt động tích cực. Sau hơn 3 tháng thực hiện kế hoạch 1034 cả hai sàn thương mại đã đưa hơn 3.000 sản phẩm OCOP lên môi trường số và tiêu thụ hơn 21.000 nghìn đơn hàng/tháng.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 60.288 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao (CNC), trên tổng số hơn 300.000 ha đất canh tác tại địa phương. Điều đáng nói là 100% số sản phẩm OCOP đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, thân thiện với môi trường, ...nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ IoT đạt hiệu quả cao với doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng/ha/năm. Theo Sở NN và PTNT tỉnh, trong bảy nhóm giải pháp nhằm phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP đã được phê duyệt, sắp tới, tỉnh sẽ chú trọng việc hỗ trợ các chủ thể đạt các chứng nhận trong nước và quốc tế đối với các sản phẩm OCOP như: VietGAP, GlobalGAP, HACCP,… Nhân rộng, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như: ISO 9001-2008, ISO 22000, ISO 14001,… hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý.

Bắc Kạn bắt tay vào triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP khá muộn, nhưng đã thu được nhiều thành công từ ứng dụng chuyển đổi số trong thúc đẩy sản phẩm OCOP. Hiện tại, toàn tỉnh đã có hàng trăm sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso... Ngoài ra, sản phẩm miến dong Bắc Kạn mà cụ thể là của HTX Tài Hoan cũng đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc..., góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể. Theo kết quả điều tra từ 30 chủ thể tiêu biểu tham gia chương trình OCOP của Sở NN và PTNT cho thấy việc ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số đã góp phần tăng 73% chủ thể đạt doanh thu từ 1,1 đến 1,5 lần.

“Bộ NN và PTNT đã chủ động trong công tác xây dựng mạng lưới các đơn vị, chuyên gia tư vấn OCOP, đặc biệt tập trung vào công tác tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn OCOP. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi số đã và đang được xem là bệ phóng cho các sản phẩm OCOP trong 5 năm tới” - ông Tiến nói.

Đỗ Ngọc (Vietnam Business Forum)