11:40:25 | 29/10/2021
Bên cạnh đó, với đặc thù riêng của từng ngành, lĩnh vực, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp cũng đã đưa ra những ý kiến, hiến kế thiết thực, bám sát thực tiễn để thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Ưu tiên nhóm doanh nghiệp du lịch không có khả năng phục hồi
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thực tế hiện nay, ngành du lịch có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp cùng với 2 triệu người lao động trực tiếp, 4 triệu người lao động gián tiếp chịu thiệt hại nặng nề. Gần 90% DN đã kiệt quệ vì lâu không hoạt động. Trong tỉ lệ 90% đó, có đến 60% là DN không còn khả năng để tiếp tục duy trì hoạt động.
Bởi vậy, bà Lan cho rằng nhóm DN không còn khả năng phục hồi nên được ưu tiên trong chương trình phục hồi, phát triển du lịch. Chính sách ưu tiên cần thực hiện đối với nhóm này là không áp dụng “cứng nhắc” Luật Phá sản và các chính sách liên quan đến những khoản nợ.
Cụ thể, do đại dịch, thời gian qua, nhiều công ty lữ hành, DN du lịch không triển khai được hợp đồng hay chương trình du lịch của mình. Trước đó, họ có những khoản vay để thực hiện kế hoạch cho các gói du lịch trọn gói nên có nhiều khoản nợ tồn đọng. Bởi vậy, DN du lịch rất cần được hỗ trợ để giải quyết những khoản này, nếu không, khó khăn sẽ ngày càng chồng chất. Thứ hai, người lao động trong những DN này cũng không được trả lương, cần “tiếp sức” cho họ bằng nguồn kinh phí một cách thấu đáo. Tạo điều kiện để các công ty giải quyết được những khó khăn đó sẽ là “bệ phóng”, là nền tảng để họ phục hồi nhanh chóng khi có điều kiện.
Còn đối với những DN vẫn cố gắng tồn tại trong thời gian hơn 2 năm qua, bà Cao Thị Ngọc Lan cho rằng đây là những DN chủ lực trong thời gian khôi phục của ngành. Họ sẽ tiếp tục đồng hành với ngành du lịch Việt Nam trên chặng đường đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội sắp tới.
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn nợ thuế, nhưng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có lẽ đã đến lúc, cần có chính sách cụ thể hơn, mạnh hơn, lớn hơn, điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn. Ví dụ như mạnh dạn cho DN vay vốn hoặc hoãn lại những khoản nợ trước đó. Ngoài ra, có thể cho vay kinh phí để trả lương cho người lao động trong thời gian DN đang còn khó khăn và tập trung cho tái kinh doanh, sản xuất. Ở tầm vĩ mô, các chính sách đã có, nhưng quan trọng là khâu triển khai sao cho đạt hiệu quả như mong muốn.
Một điểm đáng lưu tâm là khi triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương, bà Lan nhận thấy một số địa phương chưa mặn mà lắm với chủ trương chung này. Thậm chí, có những địa phương là vùng xanh, không ảnh hưởng nhiều lắm bởi dịch bệnh nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách, quyết định nới lỏng điều kiện cho du lịch.
“Về nội dung trên, Chính phủ đã có chỉ đạo rất cụ thể. Muốn thực hiện tốt phải có sự kết nối, trước hết là trong nội bộ tỉnh, sau đó là kết nối với khu vực lân cận và cả nước. Nếu như không có sự cởi mở, không có sự thống nhất và tư duy chung về phát triển du lịch và tạo điều kiện để triển khai thì hoạt động du lịch sẽ vẫn bị đứt đoạn. Từng địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mình phải có những chính sách và quan điểm chỉ đạo để tạo điều kiện cho du lịch được thống nhất triển khai”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Đề xuất giao chỉ tiêu phục hồi kinh tế cho các địa phương
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Trương Văn Cẩm cho biết dệt may là ngành sử dụng lực lượng lao động rất lớn. Theo số liệu thống kê, hiện nay ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2 triệu lao động trong các DN công nghiệp và 1 triệu lao động làm trong các DN thương mại và dịch vụ.
Đây cũng là một trong những ngành xuất khẩu rất lớn của Việt Nam. Năm 2019, ngành dệt may xuất khẩu 39 tỷ USD. Nếu không có dịch bệnh, năm 2020 dự kiến ngành xuất khẩu 40 tỷ USD, con số dự kiến của năm 2021 cũng lên tới khoảng 42-43 tỷ USD. Tuy nhiên, do tác động của COVID-19, tình hình năm 2021 của ngành dệt may có một số “cung bậc” khác biệt.
Quý I/2021, toàn ngành hào hứng, phấn khởi vì các đơn hàng chuyển về Việt Nam nhiều, nhiều DN đã ký được số lượng lớn đơn hàng đến tận quý III, thậm chí cả năm. Sang quý II, dịch bùng phát, các DN có lo lắng nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều. Vì ký được nhiều đơn hàng và trong khi sản xuất khó khăn, các DN tìm mọi cách hỗ trợ nhau nên nếu nhìn số liệu, tình hình không quá bi đát. 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu đạt 18 tỷ USD, tăng khá cao, khoảng 27% so với năm trước. Xuất siêu là 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Cẩm cho biết nếu nhìn vào thực tế hoạt động thì các công ty dệt may có nhiều khó khăn, nhất là tại các tỉnh phía nam. Ngay cả DN thực hiện “3 tại chỗ”, “2 điểm đến, 1 cung đường” hay “4 xanh” cũng chỉ duy trì được khoảng 10-15% công suất để giải quyết một số đơn hàng cấp bách nhất.
Ông Trương Văn Cẩm đặc biệt lưu ý đến đề xuất giao chỉ tiêu phục hồi kinh tế cho các địa phương. Theo ông, Chính phủ đã và đang quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” thì ngoài phân cấp, phân quyền về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 cho các địa phương thì cần giao cả chỉ tiêu phục hồi kinh tế. Thiếu chỉ tiêu cụ thể cho mục tiêu thứ hai, các địa phương sẽ vẫn chỉ chú trọng, tập trung về an toàn chứ chưa thực sự chủ động hài hoà cùng lúc hai mục tiêu là vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Ngành thuỷ sản đang nghiên cứu đề nghị về gói hỗ trợ xuất khẩu
Để DN thuỷ sản phục hồi, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết các DN của ngành đang mong muốn nhất 3 việc.
Thứ nhất, ngành đang nghiên cứu để xuất với Chính phủ có gói hỗ trợ cho xuất khẩu. Theo ông Nam, gói này sẽ kích thích chuỗi cung ứng, sản xuất phục hồi nhanh, tiếp sức cho DN kịp thời trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Gói hỗ trợ xuất khẩu có thể bao gồm chương trình về tài khoá, chương trình hỗ trợ từ góc độ quản lý nhà nước theo chuỗi. Trong đó, ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản rất quan tâm hỗ trợ về lãi suất trong năm tài khoá. Đại diện lãnh đạo VASEP cho rằng nếu được thiết kế, đưa vào thực hiện đến năm 2025 chặng hạn, gói hỗ trợ xuất sẽ rất nhiều ý nghĩa thiết thực.
Thứ hai, đồng tình với quan điểm của bà Cao Thị Ngọc Lan và ông Trương Văn Cẩm, đại diện VASEP khẳng định lúc này DN đang trông đợi vào cơ chế của địa phương. Ông Nam mong muốn các địa phương lấy Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế làm kim chỉ nam cho các hướng dẫn, để mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi giúp DN được tái sản xuất nhanh hơn.
Thứ ba, các gói tiếp sức cho DN thực sự rất quý cả về vật chất và tinh thần. Nhưng khi thực hiện đang vấp phải vấn đề có nơi, có chỗ lại đưa ra các điều kiện khiến cho người được hưởng, người không.
Phân tích rõ hơn, ông Nam lấy ví dụ về triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 của Chính phủ về giảm tiền điện. Theo Nghị quyết, DN thuỷ sản gặp khó khăn do tác động đại dịch COVID-19 là đối tượng được thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, khi thực thi, cơ quan ngành điện lại yêu cầu DN trong tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh thì mới được thụ hưởng. Các DN thuỷ sản cho rằng, việc thêm chữ “toàn tỉnh” vào quy định khiến cho mục tiêu hỗ trợ 10% tiền điện cho DN bị cản trở.
Đơn cử, hiện nay, tại các tỉnh: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, công ty điện lực phản hồi vì Chỉ thị 16 không áp dụng toàn tỉnh nên DN không được nhận hỗ trợ trên. Ví dụ như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Côn Đảo cách xa đất liền, không bị ảnh hưởng bởi dịch, nên không tính là cả tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, nhưng nhiều DN thuỷ sản ở khu vực này thực sự rất khó khăn. Vì vậy, “chúng tôi mong chính sách được thực hiện nhanh, đúng mục tiêu, đúng đối tượng”, Phó Tổng Thư ký VASEP nói.
Ông Phan Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Từ khó khăn ngắn hạn phải nhìn ra nhiệm vụ dài hạn
Đối với đặc thù của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Phan Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết dịch COVID-19 khiến hoạt động của DN công nghiệp hỗ trợ bị đứt gãy cả hai phía, từ cung ứng đầu ra đến các yếu tố đầu vào là các loại vật liệu. Chi phí đầu vào đã tăng gấp đôi.
Theo ông Tuấn, bối cảnh khó khăn này cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và các ngành hàng nói riêng. Ngành công nghiệp có 4 quy trình cơ bản: Khai nhiên (khai thác từ tự nhiên); công nghiệp vật liệu; công nghiệp phụ trợ (tức là chế tạo ra sản phẩm từ công nghiệp vật liệu) và cuối cùng là công nghiệp hoàn thiện. Công nghiệp phụ trợ Việt Nam hiện nay mới chỉ làm gia công và chế tạo chi tiết linh kiện. Đây là khoảng trống trong nền kinh tế nước ta.
“Nếu muốn nói đến nền công nghiệp hiện đại thì phải có nền công nghiệp vật liệu hiện đại. Một lốp ô tô cao su nặng 30 kg bán được 4 triệu đồng, trong khi đó gạt nước của 1 hãng ô tô của Đức chỉ có 1,7 lạng cao su nhưng bán được 150 USD, hơn 3 triệu đồng. Nói thế để thấy cách thức tạo vận dụng vật liệu, tạo ra sản phẩm mới là linh hồn của một nền công nghiệp hiện đại. Từ những khó khăn ngắn hạn, phải nhìn ra những việc cần làm trong dài hạn”, ông Phan Đăng Tuấn chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong giai đoạn phục hồi kinh tế năm 2022 - 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan phải có chương trình hiến kế cho Chính phủ về việc tập trung phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Nếu không, nền công nghiệp của chúng ta vẫn chỉ chủ yếu gia công thuần tuý, trong khi đây là ngành giàu tiềm năng, có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn, đóng góp cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế./.
Nguồn: baochinhphu.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI