Ước lượng phù hợp

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 hiện nay được đánh giá là hết sức phù hợp và cấp thiết, nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, sớm trở lại trạng thái bình thường mới và không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới. Chương trình này được thực hiện giai đoạn 2022 - 2023 bao gồm 4 chương trình thành phần, gồm: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800.000 tỉ đồng (tương đương 35 tỉ USD).


Việc huy động nguồn lực nên tính trên số liệu thực chi để sát thực tế hơn (ảnh minh hoạ)

Cùng nhìn lại các gói kích thích kinh tế từ đầu năm 2020 đến nay, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế nêu một ví dụ về gói hỗ trợ giãn, hoãn tiền thuế, phí khoảng 100.000-200.000 tỉ đồng, nhưng thực tế doanh nghiệp tiếp cận không hết quy mô gói được công bố. Lý do là chính sách hoãn, giãn nên tới cuối kỳ tài chính, các doanh nghiệp vẫn phải hoàn trả lại vào ngân sách. Theo ông, việc huy động nguồn lực nên tính trên số liệu thực chi để sát thực tế hơn.

Đối với vấn đề ước lượng, TS. Võ Đình Trí, Giảng viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc tính toán tương đối chính xác nhu cầu vốn để kích thích nền kinh tế là rất quan trọng, bởi vì quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, có nhiều ràng buộc khác. Không có khả năng vung tay chi thoải mái như một số quốc gia khác, nhưng nếu liều lượng không đủ thì hiệu quả cũng không đạt được như mong muốn, có khi còn rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo”.

“Mà ngay cả trong trường hợp đã ước lượng được nguồn vốn cần thiết thì vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng ở các bước tiếp theo: nguồn lực sẽ lấy từ đâu, có tiền như phần cứng nhưng phần mềm là thể chế kinh tế có tích hợp được với nhau, và rồi việc phân bổ thực hiện như thế nào để nguồn lực đến kịp thời, đến đúng đối tượng cần nhận hỗ trợ?

Gói kích thích kinh tế lớn là điều cần phải làm sớm lúc này, và cần phải ước lượng được liều lượng phù hợp. Những lo ngại về lạm phát, nguồn vốn sử dụng không hiệu quả lúc này không quan trọng bằng vực dậy doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế”, vị TS nhấn mạnh.

Về nguồn lực, Bộ KH&ĐT giải thích, việc huy động vốn sẽ được thực hiện theo tiến độ triển khai, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể. Các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý rằng, về quản lý nợ công tại Việt Nam, không có vấn đề gì phải lo lắng, mặc dù một vài chỉ tiêu ở một vài thời điểm có thể căng thẳng, nhưng chúng ta vẫn yên tâm rằng, nợ công hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vay nợ để sử dụng vào việc gì thì cũng là vấn đề cần nghiên cứu. Việc tài trợ hiện nay vẫn chưa ổn, ví dụ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đến gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng vừa rồi, chất lượng giải ngân không cao, hay gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ tiền lương cũng chưa hiệu quả.

“Như vậy, chúng ta phải tìm phương án hỗ trợ thế nào phù hợp và đảm bảo hiệu quả đầu tư thì mới đi vay nợ. Dư địa vay vẫn còn thoải mái, nhưng vay xong sử dụng vào đâu, cách thức sử dụng ra sao, có tiêu thụ được hay không mới là quan trọng, tránh tình trạng “chất đống” trong khi vẫn phải trả nợ, trả lãi, thậm chí xảy ra câu chuyện xin – cho, tham nhũng...”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.

Hỗ trợ đồng đều

Có thể thấy, việc hỗ trợ cả người dân và doanh nghiệp để kinh tế phục hồi là hai yếu tố song hành, bởi vì GDP còn phụ thuộc vào chi tiêu của người dân, nếu chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà không tăng khả năng chi tiêu của người dân, thì nền kinh tế cũng không thể hấp thụ hết lượng hàng hóa dịch vụ được cung ứng.


Việc hỗ trợ cả người dân và doanh nghiệp để kinh tế phục hồi là hai yếu tố song hành, bởi vì GDP còn phụ thuộc vào chi tiêu của người dân (ảnh minh hoạ)

Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCK MBS nhận định, đây là một chương trình có trọng điểm, hỗ trợ có chọn lọc. Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung đang rất khó khăn, nhu cầu phục hồi thực sự cần thiết.

“Chương trình phục hồi kinh tế quy mô lớn sẽ tác động trực tiếp giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhanh chóng, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí doanh nghiệp thông qua thuế phí sẽ góp phần đưa GDP sẽ tăng trưởng trở lại.

Trong đó, các ngành được hưởng lợi là những doanh nghiệp như xây dựng, doanh nghiệp trúng thầu đầu tư công. Với các ngành như hàng không - du lịch thì gói hỗ trợ chỉ mang tính chất hỗ trợ, “bơm máu” cho doanh nghiệp sống sót chứ không mang tính quyết định. Bởi lẽ với ngành hàng không, điểm quyết định không phải là bơm bao nhiêu vốn, mà phải là mở cửa kinh tế, mở cửa đường bay quốc tế trở lại, không thể đến sân bay lại xét nghiệm phức tạp rồi đủ thứ thủ tục. Góc nhìn cốt lõi vẫn là bình thường hóa như thế nào, người dân phải được đi du lịch thoải mái, từ đó mới tạo ra dòng tiền thực theo đúng chiến lược "sống chung với COVID-19", ông Tuấn phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia đánh giá, con số 800.000 tỷ mới chỉ là ước tính, mang tính chủ trương, còn thực hiện như thế nào sẽ chia từng giai đoạn, lĩnh vực cụ thể sau khi được thông qua.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhận xét, đây là một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đủ lớn và thời gian đủ dài cần để triển khai. Bản thảo của Bộ KH-ĐT hội đủ các yếu tố nhắm vào các lĩnh vực đáng quan tâm nhất, không chỉ hỗ trợ người lao động, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại mà còn thúc đẩy cải cách thể chế để bắt kịp nền móng cho bước phát triển tiếp theo.

“Tuy vậy, chúng ta nên rút kinh nghiệm của các gói hỗ trợ, chương trình hỗ trợ trước đây. Tiền chưa phải vấn đề quan trọng nhất trong phục hồi kinh tế, quan trọng hơn là triển khai được nhanh, hiệu quả, giám sát tốt để chống thất thoát cũng như bảo đảm doanh nghiệp đứng dậy hoặc đứng vững được. Muốn vậy, phải tăng cường cải cách hành chính, quyết liệt cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, hạn chế các thủ tục rườm ra gây tổn thất nguồn lực, tập trung vào vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp và đào tạo tay nghề cho người lao động”, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.

Nguồn: DDDN