Trước đó, hồi đầu tháng 10, trong buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ có gói hỗ trợ lớn hơn để tái thiết kinh tế.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID-19 được đề xuất có quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng, khoảng 10% GDP và gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID-19 được đề xuất có quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng, khoảng 10% GDP và gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021.
Doanh nghiệp "trông ngóng" hỗ trợ kéo dài
Ông Trần Văn Tân, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại phong cách mới (Queen Farm) cho biết, nguồn thu sụt giảm 90%, các kế hoạch ra mắt sản phẩm mới trong quý III/2021 của doanh nghiệp cũng "phá sản" vì đại dịch.
Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp vì vậy suy giảm rất nhiều, do đó hơn ai hết doanh nghiệp kỳ vọng và mong mỏi nhanh chóng có một "đòn bẩy" để giải cứu và giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kịp thời.
Cũng theo ông Tân, chương trình hỗ trợ này phải sát thực tế để doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng và đơn giản. Có như thế, việc triển khai gói kích thích kinh tế mới thực sự mang lại hiệu quả cho người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 được Bộ KH&ĐT đề xuất, gói hỗ trợ có quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng (gần 35 tỷ USD), khoảng 10% GDP và gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021 nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Nhận định về đề xuất gói hỗ trợ phục hồi kinh tế này, TS Trần Du lịch cho rằng, trong tình hình hiện nay, cần có gói hỗ trợ đủ mạnh từ Nhà nước giúp doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn vì đại dịch.
“Vì vậy, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, khoảng 800.000 tỷ đồng, tức gần 10% GDP mà Bộ KH-ĐT đưa ra là cần thiết”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo ông Trần Du Lịch, gói hỗ trợ như vậy để xử lý các vấn đề như an sinh xã hội, cấp bù lãi suất, giảm miễn các loại thuế phí, kể cả giảm thuế VAT, các khoản dành cho các chương trình khác như hỗ trợ tái cơ cấu, các gói liên quan đến hỗ trợ nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội… Gói này kéo dài trong năm 2022-2023, được biết có những phần sẽ sử dụng tiền mặt, phần quan trọng đến từ việc miễn, giảm thuế phí… giống như năm 2021.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ này có thể cần lớn hơn nữa để thực sự “bứt tốc” sau đại dịch. Nói như chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: “Nếu có thể tính toán đầy đủ được thì mong rằng gói hỗ trợ có thể hơn 10% GDP”.
Cụ thể, theo ông Thiên, Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế lần này không thể nhỏ như năm ngoái là 2% GDP, có thể nó không đến mức như Nhật Bản, đến 40-50% GDP.
"Chúng tôi cũng đã ngồi thảo luận về 1 chương trình hỗ trợ khoảng 10% GDP. Theo quan điểm của tôi, 10% GDP chưa có gì quá đáng cả so với nhiều quốc gia trên thế giới, các chương trình hỗ trợ của họ lên tới 30 – 40% GDP”, ông Thiên nói.
Đặc biệt theo chuyên gia Trần Đình Thiên, nếu có thể tính toán đẩy đủ được, để bứt lên được thì mong muốn gói hỗ trợ đó có thể hơn 10% GDP. “10% GDP khoảng 35 tỷ USD, hơn 10% GDP có thể là 40 – 45 tỷ USD và không chỉ dùng trong 2 năm mà có thể kéo dài ra 3 năm", ông Thiên nói.
Doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ hơn 10% GDP, không chỉ 35 tỷ USD mà có thể là 40 – 45 tỷ USD và không chỉ dùng trong 2 năm mà có thể kéo dài ra 3 năm.
Lý giải thêm về con số này, ông Thiên cho rằng, gói hỗ trợ không phải chỉ cứu những lực lượng cũ mà còn phải tạo ra cơ hội để tạo ra lực lượng mới phù hợp với thời địa mới chẳng hạn như ngành nghề mới, công nghệ mới,…
“Nếu chúng ta đứng dậy mà toàn cái cũ, trong khi thế giới có rất nhiều cái mới thì dù có thể tăng trưởng tốt nhưng tụt hậu là chắc chắn, bởi đẳng cấp của chúng ta khi đó không thay đổi còn các quốc gia khác là tiến lên”, ông Thiên nhấn mạnh.
Mục tiêu phải cao hơn
Cũng theo các chuyên gia, nhân dịp này, chúng ta có thể dùng công cụ ngân sách để không chỉ hỗ trợ tái cơ cấu bình thường sau đại dịch và đặt cả mục tiêu tái cơ cấu gắn với nâng cao chất lượng nền kinh tế.
“Qua đây khắc phục những tồn tại về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tổ chức lại cơ cấu thị trường…Từ đó, chúng ta thực hiện mục tiêu nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Cách tính toán, cách tìm nguồn đặt mục tiêu và cân đối các loại nguồn, trong đó có phần bội chi ngân sách”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, gói hỗ trợ 800.000 tỷ đồng có nhiều khoản, có những phần không tạo dòng tiền mới như miễn giảm thuế, phí, có phần có dòng tiền mới. Khi phân bổ những phần có dòng tiền mới để hỗ trợ doanh nghiệp, cần chú trọng nhiều vấn đề.
“Chẳng hạn, khi thực hiện cơ chế bù lãi suất cần tránh lặp lại tình trạng như ở giai đoạn 10 năm trước là hỗ trợ cào bằng. Theo đó, phải xác định doanh nghiệp nào cần được cấp bù, hỗ trợ bù lãi suất phải gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ. Chính phủ đưa ra quy định chung, từ đó phân cấp cho địa phương chủ động nắm lại lực lượng. Riêng hỗ trợ doanh nghiệp, phải có vai trò của các hiệp hội, ngành nghề có liên quan về các đối tượng. Tôi nhấn mạnh hỗ trợ phải có mục tiêu, không cào bằng vì sẽ làm méo mó thị trường”, ông Trần Du Lịch nêu quan điểm.
Nguồn: DDDN