Đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

10:02:12 | 15/11/2021

Kiểm soát dịch Covid-19 tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất dần hồi phục. Thế nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các biện pháp hỗ trợ kịp thời hơn nữa. Quan trọng hơn, phải có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, bảo đảm lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc và tránh tình trạng “cát cứ” ở từng địa phương,...


Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May Kido (Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên). Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Bộ Công thương, sự phục hồi của ngành công nghiệp thể hiện ở chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 đã tăng 6,9% so tháng 9. Ngành khai khoáng ghi nhận tăng 9%; chế biến, chế tạo tăng 6,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%,... Tính chung 10 tháng, chỉ số IIP ước tính tăng 3,3%, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020.

Thực thi chính sách chưa đồng bộ

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập cho biết, hầu hết DN ngành gỗ đã sản xuất trở lại với công suất đạt 70 - 80% so trước dịch; lượng lao động quay lại làm việc cũng được khoảng 75%. Hiệp hội và các địa phương đã thường xuyên có hoạt động đối thoại giúp đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất cho DN. Nhờ đó, chỉ số xuất khẩu của ngành tăng dần từ đầu tháng 10 vừa qua. Điều này cho thấy, dù ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, nhưng ngành gỗ đã hồi phục nhanh chóng, có thể đạt được mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu Chính phủ giao cho năm 2021.

Tuy nhiên, để ngành gỗ hồi phục như trước dịch còn nhiều việc cần làm. Hiện nay, tỷ lệ công nhân ở các tỉnh đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin chưa nhiều. Đây là nguyên nhân chính khiến người lao động chậm trở lại làm việc, trong khi nhiều địa phương lại có dấu hiệu gia tăng ca nhiễm. Mặt khác, nhiều tỉnh vẫn thực thi các chính sách khác nhau đối với người nhiễm Covid-19 và F1, F2, gây nguy cơ sụt giảm lao động nếu DN có phát sinh ca nhiễm. Do đó, theo ông Lập, tình hình lao động có thể phải đến cuối quý I/2022 mới hoàn toàn phục hồi. Lúc đó, cùng với việc phủ vắc-xin cho 100% số người lao động, cộng thêm các giải pháp chủ động về phòng, chống dịch và mở cửa, phục hồi sản xuất sẽ đồng bộ hơn. DN ngành gỗ kiến nghị, căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP, cần có sự thống nhất cơ bản giữa Trung ương và địa phương để DN vừa có thể lo chống dịch vừa chủ động tổ chức sản xuất.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Phùng Anh Tuấn nhận định, chính sách chống dịch giữa các địa phương đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn hạn chế và không phù hợp Nghị quyết 128/NQ-CP, khiến nỗ lực mở cửa kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài chưa mang lại hiệu quả. Chính phủ kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục, nhà đầu tư, chuyên gia hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể nhập cảnh.

Với sản xuất trong nước, hàng hóa và con người cũng chưa thể lưu thông liên tỉnh thông suốt. Nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài, phải có cách mở cửa chính sách nhịp nhàng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hoặc “chỉ nghe một nửa”, lấy lý do “đặc thù” và “chống dịch” như một số địa phương hiện nay. Cần có cơ quan đặc biệt chuyên rà soát và đồng bộ chính sách, vừa loại bỏ những hạn chế không đáng có, các quy định chống dịch trái Nghị quyết 128/NQ-CP của các địa phương, vừa bảo đảm chống dịch, khôi phục kinh tế cũng như thu hút đầu tư FDI trở lại.

Hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp sau “mở cửa” đã dần hồi phục. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, do một số địa phương vẫn tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Một số địa phương cũng chậm ban hành hướng dẫn mới, gây khó khăn cho DN trong phục hồi sản xuất, nhất là các quy định phòng, chống dịch khắt khe đã khiến nhiều DN thiếu lao động.

Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, khiến cho DN bị đình trệ quá lâu, đã và đang tác động tiêu cực đến hồi phục sản xuất và tăng trưởng kinh tế đất nước. Bộ Công thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu và năng lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ cao nhất các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Đồng thời, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại đã và đang thực hiện để thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh thương mại điện tử, tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ.

Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Trần Đức Nghĩa chia sẻ, với chi phí chống dịch khá cao như hiện nay, DN trong Hiệp hội đang phải đối mặt nhiều thách thức. Để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, bên cạnh việc “phủ” vắc-xin và nhất quán trong phòng, chống dịch, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho DN, cụ thể là chính sách về tiền tệ để hỗ trợ dòng tiền cho DN. Bên cạnh đó, các chính sách hiện có như hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp phải được triển khai hiệu quả hơn nữa. “Với chính sách này, tổng số tiền hỗ trợ mà người lao động ở công ty chúng tôi có thể nhận được lên tới hàng tỷ đồng và số tiền này thật sự rất có ý nghĩa với người lao động, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được”, ông Nghĩa tâm tư.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ với các khó khăn mà DN đang phải đối mặt khi chính sách chống dịch giữa các địa phương chưa liền mạch, thiếu hụt lao động do dịch chuyển giữa các tỉnh còn hạn chế, thiếu hụt dòng tiền,… Các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án mở cửa dần cho các địa phương và mở cửa quốc tế. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 cũng đang được xây dựng để hướng tới các mục tiêu: Vượt khó; bắt nhịp với các đối tác thế giới; nền tảng hạ tầng, bắt nhịp tăng trưởng thế giới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi số;... và nhiều khoản trong đó là “tiền tươi, thóc thật”. Nguồn lực dù rất khó khăn nhưng hoàn toàn có thể tìm kiếm, huy động được. Quan trọng là đầu tư vào đâu cho hiệu quả, kịp thời, quyết liệt, trúng và đúng, ông Thành khẳng định.

Nguồn: nhandan.vn