Tái thiết nền tảng quản trị doanh nghiệp theo mô hình phát triển bền vững

10:52:03 | 30/11/2021

Doanh nghiệp cần tích hợp mô hình phát triển bền vững vào nền tảng quản trị để tạo “kháng thể”, linh hoạt thích ứng với mọi biến động khó lường từ ngoại cảnh.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD đánh giá, qua 4 đợt dịch, có thể thấy doanh nghiệp đang mất cân bằng giữa 3 trụ cột: vốn tài chính, vốn xã hội và vốn môi trường. Cạn tiền và khủng hoảng nhân sự đang là những vấn đề cốt tử của doanh nghiệp hiện tại. Bên cạnh đó, khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng yếu kém cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Vinh nhận định: “Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, để sống chung và vượt qua đại dịch, mỗi doanh nghiệp cần phát huy nội lực của chính mình, thay đổi kế hoạch cũng như chiến lược để đảm bảo mục tiêu kép cho doanh nghiệp, vừa phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của nhân viên và khách hàng của mình, đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần ưu tiên giải quyết vấn đề theo cả quan điểm kinh doanh lẫn quan điểm phát triển bền vững.”

Cũng theo đại diện VCCI, VBCSD, các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững nói chung, và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) nói riêng đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung. Các doanh nghiệp này có sức bền dẻo dai hơn, nên khả năng phục hồi cũng cao hơn. Nói một cách khác, áp dụng mô hình phát triển bền vững đã tạo “kháng thể” giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Bà Nguyễn Hải Hưng - Giám đốc điều hành Deloitte Việt Nam nhận định: “Nếu coi hệ thống doanh nghiệp như một cơ thể khỏe mạnh thì cơ thể đó cần phải có hệ miễn dịch. Quản trị khủng hoảng và quản trị rủi ro chính là “vaccine” bảo vệ hữu hiệu cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch”.

Theo bà Hưng, đại dịch Covid-19 theo một cách nào đó, là “cú hích” để các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhìn nhận về khủng hoảng, từ đó có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều nguồn lực hơn cho việc thiết lập khung quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động liên tục. Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, từ đó phục hồi và phát triển bền vững hơn. Đến khi dịch được khống chế, kinh tế phục hồi, trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã tạo dựng trên cơ sở nguồn nhân lực và niềm tin của người lao động với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nền tảng vững vàng để sớm khôi phục và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Đối với Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tổn thất đặc biệt nghiêm trọng do đại dịch, bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng Giám đốc SASCO nhìn nhận, qua những lần đại dịch, công ty đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý giá, đó là không đặt nặng vấn đề doanh thu lên hàng đầu, mà nên tập trung ưu tiên chăm lo sức khỏe người lao động. Nhân lực được bảo vệ nghĩa là công ty cũng được bảo vệ. Nếu giữ vững được nguồn nhân lực, duy trì được văn hóa doanh nghiệp, việc phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của công ty sau dịch bệnh là tất yếu.

Ông Binu Jacob -Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng chủ tịch VBCSD đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về quản trị bền vững giúp vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, trong đó đặt ra 5 ưu tiên gồm: Đảm bảo an toàn và phúc lợi cho nhân viên; Tối ưu hóa nguồn cung;Tối ưu hóa kênh phân phối; Linh hoạt trong cách tiếp cận với với tiêu dùng và chung tay hỗ trợ Chính phủ, cộng đồng.

“Doanh nghiệp cần thiết lập cơ cấu phù hợp, đảm bảo sự rõ ràng và ổn định khi thị trường có sự bất ổn và rối loạn. Con người là quan trọng nhất, các yếu tố khác xếp thứ hai. Chúng ta cần đảm bảo thông tin thông suốt, hành động nhanh và hơn lúc nào hết khủng hoảng là lúc chúng ta cần cho đi, không phải lúc trục lợi. Chúng tôi coi phát triển bền vững là cốt lõi trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, là khoản đầu tư để tăng trưởng có trách nhiệm, không phải là chi phí phát sinh và sự cam kết của người lãnh đạo là yếu tố then chốt”, Ông Binu Jacob nhấn mạnh.

Đồng tình với các ý kiến trên, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ chia sẻ, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chúng tôi luôn quan tâm tới đội ngũ cán bộ nhân viên của mình, không cắt giảm lương mà duy trì một số khoản thưởng. Trong lúc ngừng sản xuất kinh doanh, PNJ khuyến khích nhân viên đi làm tình nguyện viên, phát động chương trình siêu thị 0 đồng. PNJ cũng đã xây dựng chương trình đào tạo cho nhân viên, để phát huy khả năng làm việc và tính hợp tác trong tổ chức. Đây chính là nguồn vốn xã hội mà chúng tôi tích luỹ, khi đại dịch qua đi chúng tôi sẽ có sức bật lớn hơn.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội cho rằng việc tái cấu trúc doanh nghiệp trong đại dịch rất cần thiết để có thể hấp thụ được các chính sách của Chính phủ như gói kích thích phục hồi kinh tế, gói tín dụng xanh. Doanh nghiệp phải thay đổi mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh theo mức độ dần dần cân bằng lợi ích và chi phí. Ngay cả đối với doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng cần có kế hoạch và phải bắt đầu thực hiện ngay. Mặt khác, phát triển bền vững là vì lợi ích “tăng thêm” của doanh nghiệp, bản chất bền vững là tiết kiệm, là hiệu quả trong sử dụng nguồn tài nguyên cũng như tăng khả năng chống chọi lại tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Vì vậy, doanh nghiệp cần tạo ra thói quen tiêu dùng bền vững, xanh, phù hợp với chính sách của các nước đánh thuế đối với sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất xanh.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON, phát triển bền vững không chỉ là kim chỉ nam trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng. Để phục hồi sau đại dịch AEON đã đẩy mạnh nhanh chuyển đổi số: chữ kí số, hệ thống quản trị doanh nghiệp số, quản lý đơn đặt hàng đến nhà cung cấp, xây dựng hệ thống quản trị khách hàng trên nền tảng Cloud giúp tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng. Đối với phương thức vận hành, Aeon triển khai các phương thức mua sắm đa kênh; thanh toán điện tử; quản lý thanh toán tự động… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Về các giải pháp tích hợp mô hình phát triển bền vững vào nền tảng quản trị, ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác giữa VBCSD-VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua để cùng nhau giải quyết các rào cản do dịch bệnh gây ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng nhìn nhận tích cực về vai trò của Bộ chỉ số CSI trong hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững nói chung và quản trị nguồn vốn xã hội nói riêng và coi đây như công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp chủ động vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn dịch và sớm phục hồi để trở lại tăng trưởng.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)