09:12:08 | 24/2/2022
Đáng nói, quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn nếu các rào cản ngáng chân doanh nghiệp được gỡ bỏ, nếu môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục được cải thiện.
114 ngàn tỉ đồng sẽ được bổ sung để phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.
Nhiều bất cập trong truy thu thuế
Ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) phản ánh nhiều bất cập trong truy thu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư tại khu công nghiệp Tiên Sơn và Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng của tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, tháng 6/2003, 117 công ty đã chuyển vào khu công nghiệp do tin tưởng vào chính sách thuế doanh nghiệp ưu đãi dành cho các công ty chuyển vào khu liên hợp công nghiệp (70% trong số đó là các công ty Hàn Quốc). Các công ty FDI đã được Ban Quản lý Cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cấp giấy phép đầu tư với nội dung “dự án nằm trong khu công nghiệp” và được xác định là đối tượng hưởng ưu đãi.
Nhưng đến tháng 5/2016, công ty nhận được công văn của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh với nội dung, khu vực liên hợp các khu công nghiệp Tiên Sơn mở rộng và khu công nghiệp Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa được xây dựng xong. Do đó, yêu cầu truy thu đối với nội dung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà trước đó doanh nghiệp đã được công nhận. Chi cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cũng làm thủ tục gửi thông báo đến từng công ty để yêu cầu khai báo bổ sung việc ưu đãi thuế doanh nghiệp trước đây và đôn đốc nộp thuế.
“Tổng số tiền các doanh nghiệp bị thiệt hại lên tới gần 300 tỷ đồng (gồm 182 tỷ đồng tiền thuế ưu đãi doanh nghiệp và 118 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế doanh nghiệp). Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng như UBND tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn, phê duyệt thủ tục thành lập cụm công nghiệp tại các khu vực trên và duyệt cho các công ty đóng trên địa bàn các khu công nghiệp trên được hưởng ưu đãi về thuế doanh nghiệp trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục thành lập cụm công nghiệp”, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị.
Đại diện KoCham còn phản ánh tình trạng, cơ quan thuế Việt Nam thanh tra và kiểm tra thuế quá mức gần đây đã khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng cũng như các nhà đầu tư nước ngoài nói chung rất lo lắng và quan ngại. Có trường hợp cơ quan thuế của Việt Nam đánh thuế sau những giao dịch mà 10 năm trước theo luật pháp không bị đánh thuế.
Điển hình như trường hợp 10 năm trước, một doanh nghiệp Hàn Quốc đã mua lại cổ phần của một doanh nghiệp được thành lập tại Hồng Kông (Trung Quốc) từ một doanh nghiệp Nhật Bản. Công ty có trụ sở tại Hồng Kông này nắm giữ 70% cổ phần của một doanh nghiệp Việt Nam, và cơ quan thuế đã đánh mức thuế chuyển nhượng vốn rất cao đối với doanh nghiệp Việt Nam cho phần vốn chuyển nhượng của doanh nghiệp nước ngoài (có trụ sở tại Hồng Kông) này.
Mặc dù Tổng cục Thuế đã có thông báo chính thức nêu rõ rằng cơ quan thuế Việt Nam không có quyền đánh thuế; đối tượng nêu trên không phải là đối tượng bị đánh thuế nhưng cơ quan thuế vẫn phản đối quan điểm trên và tiến hành đánh thuế với những giao dịch tại nước ngoài tương tự như trên.
“Việc đánh thuế trái với nguyên tắc tin cậy của cơ quan thuế Việt Nam có thể gây bất ổn cho nhà đầu tư nước ngoài và trở thành trở ngại cho việc tiếp tục đầu tư trong tương lai, cũng có thể đi ngược lại với lợi ích quốc gia và ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam”, KoCham đánh giá.
Tới việc xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện
Trước các vấn đề mà doanh nghiệp nêu, tại VBF 2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững là vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Thủ tướng cho biết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về thể chế, theo Thủ tướng Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Về hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...
Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số (xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số) và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế đơn thuần.
Trong điều kiện một nước đang phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.
Nguồn: DDDN
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI