Tạo cú hích cho phát triển công nghiệp

12:13:12 | 1/3/2022

Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã nỗ lực tháo gỡ “nút thắt” trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao (CNCNC), công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tạo cú hích cho phát triển công nghiệp. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương. Trần Trang thực hiện.

Cả hệ thống chính trị trên địa bàn đang quyết tâm tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực nhằm đưa Hải Dương “…đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá VXII. Đối với ngành Công Thương, việc tháo gỡ “nút thắt” về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tập trung vào các khâu, lĩnh vực cụ thể nào?

Trong thời gian vừa qua, xác định thủ tục hành chính (TTHC) vẫn là “điểm nghẽn”, Sở Công Thương đã tập trung cải cách TTHC thuộc ngành, góp phần tạo những chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, thu hút nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch liên quan đến CCHC hằng năm theo đúng quy định. Các kế hoạch được xây dựng đều xác định nhiệm vụ cụ thể và thời gian hoàn thành cho từng bộ phận, đơn vị, là một trong những căn cứ để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm...


Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp

Tích cực phối hợp với các đơn vị, cơ quan báo chí tuyên truyền về CCHC tới người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi tham mưu của ngành để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điểm chưa phù hợp, thực hiện đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn của ngành.

Sở thường xuyên cập nhật và có văn bản đề nghị Trung tâm Phục vụ hành chính công niêm yết công khai danh mục và nội dung TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Tại thời điểm báo cáo, 136 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương (trong đó 123 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, 13 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện) được niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, công khai trên Hệ thống dịch vụ công - một cửa điện tử của tỉnh và website của Sở tại địa chỉ sct.haiduong.gov.vn mục thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện TTHC; đồng thời có cơ sở, điều kiện để thực hiện quyền giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của công chức.

Ông có thể cho biết về tiềm năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Hải Dương?

Với lợi thế lớn về vị trí, nằm ở khu vực trung tâm của các hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng theo tuyến QL5 và Hà Nội - Quảng Ninh theo QL18, Hải Dương có rất nhiều cơ hội về hợp tác, liên kết không gian phát triển kinh tế hình thành trục công nghiệp, đô thị kết nối Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng và trục kinh tế TP.Hà Nội - TP.Chí Linh - TP.Hạ Long, kết hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh hình thành tam giác trọng điểm kinh tế khu vực phía Đông Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hệ thống đường thủy thuận lợi, mật độ sông có thể làm vận tải thủy cao, nhiều dư địa để làm cảng logistic, đặc biệt là gần cảng biển Hải Phòng- cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc và các cảng hàng không Cát Bi- Hải Phòng, Nội Bài- Hà Nội. Có thể thấy Hải Dương có thuận lợi rất lớn cho phát triển công nghiệp, thương mại.

Nguồn nhân lực lao động của Hải Dương được đánh giá là dồi dào, trong đó trên 60% tỷ lệ dân số nằm trong độ tuổi lao động cao. Cùng với đó, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã và đang hoàn chỉnh với rất nhiều dự án lớn đã đầu tư và đi vào hoạt động cũng là một trong những lợi thế trong việc thu hút đầu tư vào sản xuất CNCNC, CNHT và cung cấp linh phụ kiện các loại đa dạng cho các lĩnh vực công nghiệp khác nhau… phục vụ nhu cầu chế tạo, sản xuất trong nước đặc biệt là tại các khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hướng đến xuất khẩu. Dư địa đất để phát triển công nghiệp lớn, trong giai đoạn 2021- 2030 có thể chuyển đổi khoảng 10.000ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025 phát triển thêm 5 - 7 KCN, 30 - 50 CCN với diện tích trên 5.000ha.

Nhằm phát huy những tiềm năng riêng có, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá VXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định:

1. Tập trung phát triển CNCNC, CNHT. Tập trung thu hút đầu tư hạ tầng các KCN, CCN đồng bộ, hiện đại; phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng từ 3 đến 5 KCN, 10 đến 15 CCN mới với diện tích khoảng 2.000ha. Phát triển ngành CNHT, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo chuỗi giá trị.

2. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng: Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ của tỉnh. Chú trọng thu hút đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ. Thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn, hiện đại tại các địa bàn trọng điểm có đông dân cư và các đô thị mới. Phát triển các loại hình thương mại tiện ích, trung tâm mua sắm; đa dạng hóa phương thức giao dịch như: thanh toán điện tử, bán hàng trực tuyến... Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng; phát triển du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu.

Việc triển khai Đề án phát triển CNCNC, CNHT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 3164/QĐ- UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh) kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” nào cho sự phát triển công nghiệp trên địa bàn?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá VXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định: “Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ”. Việc xây dựng và triển khai đề án phát triển CNCNC, CNHT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho phát triển công nghiệp trên địa bàn, với mục tiêu cụ thể như sau:

Phát triển CNCNC, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, CNHT để góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với các mục tiêu: (1) GRDP bình quân đầu người 5.000 USD trở lên (2) tỷ trọng nông, lâm, thủy sản (NLTS) trong GRDP đạt khoảng 15% (3) tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP 35% trở lên (4) tỷ lệ đóng góp TFP trong tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 35% (5) tỷ trọng lao động NLTS trong tổng số lao động khoảng 25% (6) tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 80% (7) tỷ lệ dân số thành thị 40% (8) chỉ số phát triển con người đạt trên 0,75%.

Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, doanh nghiệp lắp ráp lớn để dẫn dắt phát triển sản phẩm CNHT, làm nền tảng bước đầu tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đến năm 2025, giá trị sản xuất (GTSX) của CNCNC, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, CNHT chiếm khoảng 35% GTSX toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030, chiếm khoảng 45% GTSX toàn ngành công nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum