09:25:10 | 7/3/2022
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết 11/NQ-CP với quy mô 350 nghìn tỷ đồng đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong muốn thủ tục thông thoáng, giúp họ tiếp cận sớm nguồn lực để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp “khát” vốn
Bà Võ Thúy Hằng - Giám đốc Công ty Cánh diều - chia sẻ, đến nay, khi bước vào giai đoạn phục hồi và hướng tới xuất khẩu, DN đã thiếu vốn nghiêm trọng, nhiều đối tác đặt hàng nhưng DN không thể nhận vì thiếu vốn lẫn lao động. Chung tình trạng, ông Nguyễn Văn Tài - CEO VietSense Travel - cho hay, Việt Nam sẽ mở cửa du lịch vào ngày 15/3. Tuy nhiên, DN đang lo khó tiếp cận trực tiếp khách du lịch bằng phương thức quảng cáo trực tuyến qua các nền tảng công cụ tìm kiếm cũng như mạng xã hội, do chi phí thực hiện rất tốn kém và bất định về mặt hiệu quả trong khi nguồn lực tài chính của DN đã suy giảm vì dịch bệnh.
Doanh nghiệp cần tiếp sức từ chính sách để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh
Theo ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa, hiện tại, không phân biệt quy mô, không ít DN đang quay lại vạch xuất phát. Do vậy, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng. “Hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế phụ thuộc vào quy mô gói hỗ trợ và tốc độ triển khai để kịp cứu DN trước khi phá sản” - ông Nam nhấn mạnh.
Trước nhu cầu cấp thiết của DN, gói hỗ trợ quy mô 350 nghìn tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ được đánh giá là nguồn lực quý giá, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động. Nếu được thực hiện hiệu quả, đúng và trúng mục tiêu, đây chính là các đòn bẩy lớn phát triển kinh tế. Trong đó, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2022 này cho hầu hết hàng hóa, dịch vụ được DN hưởng ứng vì sẽ gián tiếp góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong nước, kích thích sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%/năm cho DN, hộ kinh doanh với tổng quy mô ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại hứa hẹn tiếp sức rất lớn cho DN.
Triển khai kịp thời
Tuy vậy, làm sao nắm được cơ hội thụ hưởng và chính sách ban hành thực hiện hiệu quả là vấn đề DN đặc biệt quan tâm. Bà Võ Thúy Hằng cho biết, các gói hỗ trợ trong đại dịch, DN hầu như chỉ nghe ngóng, chứ chưa thể tiếp cận, đối với DN vừa và nhỏ lại càng khó hơn do nhiều yêu cầu không thể đáp ứng, trong khi đây là đối tượng cần vốn. “Vì vậy, với gói hỗ trợ mới, cơ quan triển khai cung cấp thông tin cụ thể để DN nắm bắt các quy định, thủ tục thông thoáng hơn, giúp DN tiếp cận kịp thời, mạnh dạn triển khai kinh doanh lại sau dịch” - bà Hằng nói.
Để thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, từ góc độ chuyên gia kinh tế, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cần thống nhất từ trên xuống dưới, thực thi có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng. Cụ thể, với quy mô gói hỗ trợ lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng, không nên dàn đều cho tất cả, cần xem xét phù hợp...
Năm 2022 được coi là năm “bản lề” để DN xây dựng các kế hoạch hồi phục và tăng tốc để lấy lại những gì đã mất của năm trước. Vì vậy, những quyết sách cải cách, tạo thuận lợi để “khơi dòng” được các hoạt động của DN rất quan trọng và cấp thiết. Ông Tô Hoài Nam đề xuất: Gói hỗ trợ của chương cần phải sớm đến được tay DN mới giúp DN không bỏ lỡ thời điểm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh.
Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội thông qua các giải pháp: Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho DN, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. |
Nguồn: congthuong.vn