Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 400 tỷ USD

09:31:34 | 22/7/2022

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 400 tỷ USD, tính đến nửa đầu tháng 7. Đây là con số khả quan cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 7, xuất khẩu hàng hóa đạt gần 14,3 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/7 đạt 201 tỷ USD.

Các nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn (đạt 1 tỷ USD trở lên) gồm: điện thoại và linh kiện đạt 1,86 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD; dệt may đạt gần 1,8 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,66 tỷ USD; giày dép đạt 1,09 tỷ USD.


Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2022 có thể vượt 700 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, 15 ngày đầu tháng 7 kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 16,3 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/7 đạt 202 tỷ USD.

Hai nhóm hàng nhập khẩu “tỷ đô” trong nửa đầu tháng 7 là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,84 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD.

Như vậy, từ đầu năm đến 15/7, quy mô ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 403 tỷ USD, trong đó, Việt Nam nhập siêu khoảng 1 tỷ USD.

Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2022 có thể vượt 700 tỷ USD.

Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua vẫn phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu duy trì tăng cao.

Hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào các yếu tố như sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTAs của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.

Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ở trong nước, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…

Trên cơ sở đánh giá tình hình trong nước và thế giới cũng có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển thị trường xuất khẩu, và phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, cụ thể kim ngạch xuất khẩu 2022 tăng trưởng trên 8% so với năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.

Nguồn: congthuong.vn