Dệt may thích ứng linh hoạt, đối mặt khó khăn

15:00:39 | 5/8/2022

Mặc dù quý 1 và quý 2, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ 2021, tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn vào quý 3,4 và thậm chí cả quý 1 năm sau bởi lạm phát và sức mua toàn cầu giảm.

Phỏng vấn của phóng viên Vietnam Busisness Forum với Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang thành quả 6 tháng đầu năm cũng như những trọng tâm mà ngành dệt may sẽ phải tập trung để có thể đạt mục tiêu 42-43 tỷ đô năm 2022.

Thưa ông, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hậu Covid-19 nhưng ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm vượt mục tiêu đề ra?

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 6 tháng qua đạt hơn 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hàng may mặc đạt 16,94 tỷ USD tăng 19,5% so cùng kỳ; xuất khẩu vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất khẩu xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD tăng 22,3%; xuất khẩu vải không dệt đạt 452 triệu USD tăng 25,5%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu đạt 13,4 tỷ USD tăng 9,8% so cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng năm 2021. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Cơ sở của thành công đó là gì, thưa ông?

Sở dĩ đạt được kết quả khả quan đó là nhờ ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua được những thách thức, thích ứng nhanh, biến chuyển thách thức thành cơ hội.        

Trước hết phải nói đến việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid 19 theo Nghị quyết của Chính Phủ. Đây là cơ sở,  pháp lý để mở cửa toàn diện cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành dệt may.

Thêm vào đó, phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp dệt may đã rất nhanh trong chuyển chuyển đổi cơ cấu về mặt hàng, chuyển đổi cơ cấu về thị trường, chính điều này đã tạo nên giải pháp. Các đơn hàng xuất khẩu của dệt may Việt Nam tương đối ổn định, đặc biệt giữ được 5 thị trường trọng điểm trong đó có Mỹ hiện nay đang đứng đầu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam, thị trường thứ hai là EU, thị trường thứ ba là Nhật Bản, thị trường thứ tư là Hàn Quốc, thị trường thứ năm là Trung Quốc.

Chính việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thiết bị và công nghệ, tự động hóa đã đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng về giao hàng nhanh, đơn hàng khó. Dù trong bối cảnh bị thâm hụt lao động do dịch Covid nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được giải pháp công nghệ và quản trị, năng suất lao động đạt được tương đối khá so với những năm trước. 

Vấn đề nữa phải kể đến là giải pháp về liên kết chuỗi. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu của dệt may Việt Nam giảm so với sáu tháng năm 2021 và kể cả năm 2020. Các khó khăn do sức ép thời gian giao hàng ngắn hơn, chi phí vận tải tăng cao, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, đứt gãy nguồn cung của thị trường Trung Quốc vào Việt Nam…đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sự chủ động trong việc tìm kiếm nguyên phụ liệu trong nước. Chính việc liên kết chuỗi đã tạo ra sự chủ động cũng như hiệu quả hoạt động tốt hơn cho các dệt may Việt Nam.

Cuối cùng đó là động lực cho các doanh nghiệp quản trị hệ thống, quản trị chi phí. Nếu chỉ tính đến những áp lực về thị trường logistic, vận tải trong nội địa cũng như vận tải xuất khẩu mà không có những giải pháp về tiết kiệm chi phí thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Giải pháp về quản trị  tạo ra áp lực chi phí như vậy nhưng hiệu quả của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm đạt được những con số khả quan hơn như đánh giá ban đầu là áp lực rất khó khăn do chi phí vận tải. |

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD, từ giờ đến cuối năm ngành dệt may Việt Nam sẽ trọng tâm vào những việc gì?

Trả lời cho vấn đề này có 2 vấn phần, đó là thách thức và giải pháp.

Nói đến thách thức, mặc dù kim ngạch xuất khẩu quý 1 và 2 tương đối tốt nhưng đến đầu quý 3 và có thể quý 4 năm nay, ngành dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn của vấn đề lạm phát và sức mua toàn cầu giảm. Đặc biệt, lượng hàng hóa tồn kho của các nước nhập khẩu dẫn đến nhiều đơn hàng truyền thống thế mạnh của Việt Nam bắt đầu giảm.Có những mặt hàng đã giảm cả sang quý 1 năm 2023. Khi sức mua toàn cầu giảm thì ngành dệt may Việt Nam buộc phải tìm kiếm một thị trường mới, những mặt hàng mới. Việc chuyển đổi từ mặt hàng chuyên môn hóa trước đây đến mặt hàng không chuyên môn hóa dẫn đến thách thức mới do phải thay thế công nhân, đầu tư thiết bị mới, chính điều đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, thu nhập của người lao động cũng như ảnh hưởng đến chi phí đảm bảo lương tối thiểu cho người lao động, của doanh nghiệp.       

     

Giải quyết 3 thách thức này, ngành dệt may Việt Nam đã đưa ra 5 giải pháp để khuyến cáo các doanh nghiệp.

Thứ nhất, doanh nghiệp dệt may phải tập trung thay đổi cơ bản về kết cấu thị trường truyền thống trước đây như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thâm nhập các thị trường mới như Trung Đông, đầu tư sản xuất thêm các mặt hàng sang Châu Phi hoặc triển khai kết cấu lại một số mặt hàng để xuất ngược lại thị trường Trung Quốc đây.

Bên cạnh đó, Hiệp hội và các doanh nghiệp tiếp tục kêu gọi đầu tư, kích cầu lớn cho việc đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Hiện nay ngành dệt may đang tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư vào nguyên phụ liệu, vải, sợi mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải nhập để có sự chủ động cho một chiến lược phát triển ổn định, bền vững từ giai đoạn mục tiêu 2023 trở đi.

Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang có những áp lực rất lớn về cạnh tranh lao động và chuyển biến lao động, dịch chuyển lao động về nông thôn và các vùng sâu, vùng xa, nên ngành dệt  may đang khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư chiều sâu vào thiết bị và quản trị số, công nghệ tự động hóa để có thể chủ động được lao động,  thúc đẩy năng suất lao động.

Vấn đề thứ tư là phải thúc đẩy liên kết chuỗi chặt hơn nữa, tăng cường tính hỗ trợ, chia sẻ giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn hàng để làm sao có thể đồng hành cùng nhau một con đường phát triển. Thêm vào đó, ngành dệt may cũng đang thúc đẩy đầu tư các thiệt bị và công nghệ ngành dệt nhuộm, in, phải chủ động được những dòng sợi cho thị trường kết cấu sợt dệt Việt Nam cũng như một số loại vải.  

Và vấn đề cuối cùng là thúc đẩy hội nhập để chứng minh được sản phẩm Việt Nam có  trách nhiệm xã hội. Đây chính là việc  mà nhiều năm qua Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phát động chương trình phát triển xanh hóa, chương trình phát triển bền vững, đồng hành cùng các DN dệt may Việt Nam phát triển bền vững.

Nguồn: Vietnam Business Forum