13:51:58 | 26/9/2022
Với mục tiêu mở rộng và kết nối thị trường tài chính giữa hai nước Việt - Lào, ngày 19/10/2018 tại Thủ đô Vientiane, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức khai trương hoạt động Ngân hàng TNHH MTV Ngoại thương Việt Nam tại Lào (Vietcombank Lào). Vietcombank Lào cung cấp các gói dịch vụ tài chính - đầu tư đồng bộ cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào cũng như các doanh nghiệp tại Lào, qua đó gián tiếp thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều và mở rộng hợp tác thương mại giữa hai nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Lào.
Ông Nghiêm Xuân Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Vietcombank (ngoài cùng, từ trái sang); ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Lào (thứ ba, từ trái sang); ông Sonexay Sitphaxay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào (thứ năm, từ trái sang); bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (thứ ba, từ phải sang); ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank (ngoài cùng, từ phải sang) tại Lễ Khai trương Ngân hàng Vietcombank Lào
Ông có thể cho biết những dấu ấn nổi bật của Vietcombank trên đất bạn Lào kể từ ngày đầu khai trương hoạt động Vietcombank Lào đến nay?
Ngân hàng TNHH MTV Ngoại thương Việt Nam tại Lào (Vietcombank Lào) chính thức khai trương hoạt động tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 19/10/2018. Tới nay đã trải qua gần bốn năm đồng hành cùng khách hàng trên nước bạn Lào, đây là 4 năm hết sức đặc biệt với chúng tôi, đặt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động bởi các yếu tố vĩ mô, trong đó có đại dịch Covid-19.
Điều đáng nói đầu tiên phải kể đến là tốc độ tăng trưởng. Từ ngày thành lập đến nay, kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank Lào đều tăng trưởng mạnh qua các năm.
Tốc độ tăng tài sản của Vietcombank Lào trung bình đạt 6,1%, tốc độ tăng cho vay khách hàng trung bình đạt 182%, tốc độ tăng huy động trung bình đạt 110%, tốc độ tăng doanh thu trung bình đạt 102,2%, tốc độ tăng lợi nhuận trung bình đạt 21%. Đặc biệt là năm 2021, mặc dù toàn quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phải phong tỏa 9/12 tháng, nhiều cơ quan đơn vị phải đóng cửa, nhưng Vietcombank Lào vẫn duy trì tăng trưởng đều và mạnh ở các chỉ tiêu chính như tín dụng tăng 69,26%, lợi nhuận tăng 25,17%... Hay như trong 6 tháng đầu năm 2022, dư nợ đã tăng trưởng 27,29% so với cuối năm 2021, huy động tăng 108% và lợi nhuận đã tăng trưởng 15,30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai là hoạt động an sinh xã hội, Vietcombank Lào hoạt động trên thị trường Lào không chỉ đơn thuần là để kinh doanh. Chúng tôi luôn ý thức được bản thân còn là biểu hiện của tình hữu nghị giữa hai nước. Do đó, ngay từ những ngày đầu, Vietcombank Lào luôn hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và các cơ quan tại Lào, tham gia các hoạt động an sinh xã hội nhằm thắt chặt, gắn kết mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước cũng như tình cảm của nhân dân hai nước anh em.
Thứ ba là Vietcombank Lào luôn nghiêm túc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước, của pháp luật Lào. “Chuẩn mực” là tiêu chí mà Vietcombank nói chung cũng như Vietcombank Lào nói riêng luôn hướng tới. Năm 2021, Vietcombank Lào đã được Bộ Tài chính Lào tặng Bằng khen cho doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế năm 2020. Hay như hiện tại, Vietcombank Lào vẫn đang bám sát tiến độ triển khai các dự án nhằm chuẩn hóa hoạt động kinh doanh như IFRS và Basel II theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Lào.
Ông Nguyễn Thành Đô, Tổng Giám đốc Vietcombank Lào (bên trái) và ông Chinda Vongsouly, Tổng Giám đốc CBF Pharma Co., Ltd. tại Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng giữa Vietcombank Lào và CBF Pharma Co., Ltd.
Điều cuối cùng tôi muốn nói đến là, các thành tích đó đã đạt được bởi một bộ máy rất non trẻ. Ngay từ đầu Vietcombank Lào được thành lập như một ngân hàng con độc lập với ngân hàng mẹ. Do đó, mọi hoạt động đều được xây dựng hoàn toàn từ đầu. Khối lượng công việc cần làm để xây dựng được một bộ máy, quy trình, quy chế, điều lệ hoàn chỉnh phù hợp với luật pháp và quy định của Vietcombank là vô cùng lớn. Về tổ chức bộ máy nhân sự, chúng tôi vừa xây dựng, củng cố bộ khung hoạt động, vừa tăng trưởng, phát triển khách hàng, thể hiện vai trò cầu nối hữu nghị giữa hai đất nước với một đội ngũ rất mới, rất non trẻ.
Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào không chỉ đơn thuần làm kinh tế mà còn giúp các địa phương phát triển, nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng có dự án, góp phần tích cực vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Vậy những năm qua, Vietcombank đã gắn kết các hoạt động kinh tế với công tác xã hội cộng đồng như thế nào và kết quả đạt được ra sao, thưa ông?
Trong hoạt động kinh doanh thường ngày, quán triệt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như Ngân hàng Nhà nước Lào, Vietcombank Lào luôn tuân thủ quy định của pháp luật, đồng thời tích cực tham gia đóng góp cho việc phát triển kinh tế cũng như các hoạt động an sinh xã hội tại Lào, cùng chung tay góp phần thắt chặt và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Vietcombank Lào đã tích cực hỗ trợ Chính phủ, chính quyền và nhân dân địa phương ứng phó với tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Cụ thể như thực hiện vận động người lao động tại Vietcombank Lào quyên góp ủng hộ các cán bộ tuyến đầu chống dịch 300 thùng nước uống đóng chai gửi đến chính quyền quận Chanthabouly (nơi Vietcombank Lào đặt trụ sở); chương trình tham gia đóng góp một ngày lương của tập thể cán bộ, nhân viên Vietcombank Lào; chương trình tặng quà hỗ trợ người nghèo là Việt kiều và người dân Lào có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (100 suất quà tương đương 3.000 USD). Ngoài ra, Vietcombank Lào cũng đã thành lập Ban triển khai tài trợ các chương trình an sinh xã hội với mục đích tổ chức tài trợ các chương trình an sinh xã hội tại Lào… Đối với việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Vietcombank Lào đã thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng với tổng dư nợ cơ cấu là 15,15 tỷ LAK (tương đương 1,63 triệu USD), ngoài ra Vietcombank Lào cũng đã chủ động nghiên cứu báo cáo, làm việc với Ngân hàng Trung ương Lào để trình sửa đổi chính sách cơ cấu nợ trích lập dự phòng rủi ro cho khách hàng tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Vietcombank Lào.
Ông Nguyễn Thành Đô, Tổng Giám đốc Vietcombank Lào (thứ hai, từ trái sang) trong buổi trao quà tặng hỗ trợ người dân Việt Nam và Lào tại Thủ đô Vientiane gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Hiện tại, hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào đang tích cực đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương với nhiều cam kết, kỳ vọng mới. Vietcombank đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thời cơ thuận lợi để nâng cao quy mô, hiệu quả đầu tư tại Lào ra sao, thưa ông?
Một yếu tố rất thuận lợi của Vietcombank Lào đó là được phát triển dựa trên nền tảng hợp tác hữu nghị bền chặt của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào. Những khó khăn, vướng mắc của Vietcombank Lào luôn được Chính phủ nước bạn ghi nhận và hồi đáp rất kịp thời.
Với sự thuận lợi đó, Vietcombank Lào đã chủ động nghiên cứu để nâng cao quy mô, hiệu quả đầu tư tại Lào. Các chính sách, định hướng của Vietcombank Lào trong thời gian tới chủ yếu là thực hiện phát triển thận trọng, quản trị chặt chẽ mọi mặt hoạt động, từng bước nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm thẻ, máy POS, máy ATM, các sản phẩm ngân hàng điện tử và sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt khác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời Vietcombank Lào cũng hướng đến thực hiện chuẩn hóa hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế như Basel II, IFRS…
Trong công tác khách hàng, Vietcombank Lào tập trung hướng đến phát triển các khách hàng có tình hình tài chính tốt, mở rộng chân khách hàng thuộc các ngành hàng mà không (hoặc ít) bị ảnh hưởng từ dịch bệnh và/hoặc các ngành hàng có thuận lợi trong thời gian qua như ngành xăng dầu và khí đốt, dược phẩm và thiết bị y tế, thương mại hàng hóa tiêu dùng, thương mại vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Bên cạnh đó, Vietcombank Lào cũng sẽ xem xét khả năng hợp tác với một số ngân hàng thương mại tại Lào để triển khai cho vay hợp vốn đối với một số dự án có nhiều tiềm năng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI