Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số

17:24:56 | 11/11/2022

Xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại và chuyển đổi số cho doanh nghiệp thời đại 4.0” nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số.

Chia sẻ về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, Giám đốc VCCI-HCM - ông Trần Ngọc Liêm cho biết, quá trình chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường ứng dụng các công nghệ mới (dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…) vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ đó giúp thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh…, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cùng những giá trị mới hơn cho doanh nghiệp. "Nói cách khác số hoá doanh nghiệp là xu thế không thể đảo ngược, mỗi doanh nghiệp cần phải tạo ra một môi trường số hóa cho chính mình và sẵn sàng cho kết nối với doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái số hoá"  - ông Liêm nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát "Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19" (khảo sát trên 400 doanh nghiệp) do VCCI thực hiện cho thấy thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu như: xúc tiến thương mại, quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, thanh toán, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội buộc doanh nghiệp phải tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến, xúc tiến thương mại. Chỉ trong thời gian ngắn, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số đã tăng nhanh so với trước đây, nhất là trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…. Đây cũng là xu thế tất yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi nhằm mang lại hiệu quả vận hành, kinh doanh cao hơn.

Vai trò, hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên theo các chuyên gia, công cuộc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Phó Giám đốc VCCI-HCM – ông Nguyễn Hữu Nam cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số là do họ chưa nhận thức đúng vai trò của quá trình này. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam nhưng trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Mức độ sẵn sàng để chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như rất ít. Khảo sát đánh giá sự sẵn sàng tiếp cận Cuộc CMCN 4.0 cho thấy đại bộ phận các doanh nghiệp tham gia khảo sát được đánh giá ở mức "ngoài cuộc", một số rất nhỏ doanh nghiệp được đánh giá ở mức "có kinh nghiệm" và "chuyên gia", không có doanh nghiệp nào được đánh giá ở mức "đi đầu".

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, năm 2022 và những năm tiếp theo được dự báo là thời điểm vàng cho Việt Nam phục hồi và tăng trưởng của hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Để tận dụng tốt cơ hội này, hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục được đổi mới, nhất là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động. Doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số trong thương mại hóa sản phẩm và dịch vụ để tận dụng hiệu quả thời cơ mới bởi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà đã trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để thích ứng, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới cho mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. "Với ý nghĩa đó, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần hội đủ "3 sẵn sàng": sẵn sàng về phương diện lãnh đạo (người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào); sẵn sàng về nguồn nhân lực (đào tạo nhân viên có khả năng tiếp cận, vận hành hệ thống trong và sau chuyển đổi số); sẵn sàng về công nghệ (tìm được đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số phù hợp)" – ông Nam khuyến nghị.

Mỹ Châu (Vietnam Business Forum)