Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng

08:22:44 | 1/5/2024

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 23.024 tỷ đồng, tăng 15,8% so với ngày 31/12/2022, vượt xa kế hoạch đề ra từ đầu năm (tăng từ 8% - 10%).


Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng Dự án đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh

Chia sẻ về những thành quả đã đạt được, ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong quá trình hoạt động, Chi nhánh luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, triển khai có hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng và ngoại hối bảo đảm hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả”

Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng

Trong năm 2023, trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, với sự quyết liệt chỉ đạo trong triển khai các nhiệm vụ của NHNN Chi nhánh tỉnh Kon Tum và nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn đạt 46.512 tỷ đồng, tăng 8,4% so với thời điểm ngày 31/12/2022, mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch năm 2023 (tăng từ 14 -15%), dư nợ tín dụng đối với 05 lĩnh vực ưu tiên đạt 40.636 tỷ đồng, chiếm 87,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay các chương trình chính sách đạt 4.460 tỷ đồng (chiếm 9,6%/tổng dư nợ), tăng 18,6% so với ngày 31/12/2022. Nợ xấu khoảng 6,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,2% tổng dư nợ. Cũng trong năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Kết quả đến ngày 31/12/2023, dư nợ đạt 677 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, Chi nhánh cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, đầy đủ, tích cực các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Trong đó phải kể đến như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện các chính sách ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất của từng hệ thống TCTD; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,... hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của riêng từng hệ thống TCTD.

“Nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đơn vị đã tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2023 tạo cơ hội đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng, nắm bắt các vấn đề liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan”, ông Hoàng Minh Tân cho biết thêm.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng này. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, NHNN Việt Nam đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Bám sát mục tiêu chung của ngành và phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, Chi nhánh sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, đơn vị sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và giám sát các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN. Phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng. Theo dõi nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và của địa phương để kịp thời triển khai chính sách, chương trình tín dụng phù hợp, nhất là tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tín dụng tiêu dùng.

Đặc biệt, chú trọng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Chi nhánh tự hào khi trong mọi bước đi đơn vị đều đang đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới, phát triển của tỉnh nhà. Tin tưởng rằng với sự nỗ lực không ngừng, ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum sẽ vượt qua được những khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Duy Anh (Vietnam Business Forum)