Báo chí song hành cùng sự phát triển của đất nước

09:09:55 | 20/6/2024

99 năm qua (21/6/1925 - 21/6/2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, công nghệ kỹ thuật. Nhờ đó, hiệu quả tuyên truyền được nâng cao, tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Vai trò và đóng góp to lớn của báo chí

Song hành cùng với sự phát triển mọi mặt của đất nước, nền báo chí Cách mạng Việt Nam cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh - truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41 nghìn người. Hơn 20,5 nghìn người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025. Đây là minh chứng cho thấy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện tốt cho báo chí hoạt động và phát triển.

Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí cũng được xem là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, khơi nguồn phản ánh những điều tốt đẹp, đồng thời phê phán đấu tranh, chống lại cái xấu.

Báo chí là nguồn cung cấp thông tin chính xác, đa chiều về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhờ mạng lưới phóng viên rộng khắp “đi tận nơi, xem tận chỗ”, báo chí có thể tiếp cận và phản ánh kịp thời các sự kiện nóng hổi, các vấn đề quan tâm của dư luận. Thông tin được cập nhật liên tục, nhanh chóng giúp người dân nắm bắt được tình hình đất nước, khu vực và thế giới, từ đó có ý thức và hành động phù hợp. Thông qua các bài viết, phóng sự, bình luận, báo chí giúp người dân hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó có ý thức chấp hành tốt hơn, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Các bài viết, phóng sự về văn hóa, du lịch, kinh tế - xã hội của Việt Nam được đăng tải trên các trang báo, website đã thu hút sự quan tâm của bạn bè năm châu, góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các cơ hội kinh doanh, đầu tư với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Báo chí góp phần to lớn vào việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Nhờ có tiếng nói của báo chí, các hành vi vi phạm pháp luật được phanh phui, xử lý kịp thời, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Trên thực tế, các tòa soạn không ngừng mở và duy trì các chuyên trang, chuyên mục về chuyện tử tế, sống đẹp và nhiều hoạt động xã hội hướng tới giá trị nhân văn, lan tỏa sâu rộng và tạo ra được thay đổi tốt đẹp hơn cho nhiều số phận, nhiều vùng đất và đặc biệt thổi lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng.

Báo chí có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua các bài viết về văn hóa, lịch sử, truyền thống, báo chí giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của dân tộc, từ đó có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hướng tới sự phát triển bền vững

Bước vào giai đoạn phát triển mới, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, mau lẹ và khó lường. Ở trong nước, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Đời sống văn hóa xã hội còn những biểu hiện thiếu lành mạnh. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Trên môi trường số và xã hội số, vẫn còn không ít những thông tin tiêu cực, sai sự thật, xấu độc, phản ánh không đúng bản chất hiện thực đất nước ta. Các thế lực phản động, thù địch lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các thông tin tiêu cực, xấu độc, xuyên tạc, kích động hòng chống phá về chính trị, tư tưởng, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...

Trong bối cảnh sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, báo chí đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo phải không ngừng nỗ lực đổi mới, thường xuyên học hỏi, nắm bắt, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Báo chí cần đa dạng hóa các loại hình, phát triển đa dạng các loại hình báo chí như báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói, báo mạng xã hội..., mở thêm chuyên mục, tăng cường tương tác với người đọc, chú trọng nâng cao chất lượng nội dung, đảm bảo tính chính xác, khách quan và trung thực.

Trong thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Để thực hiện được sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam không đơn giản là câu chuyện sống còn của cơ quan báo chí. Đó là câu chuyện đưa được tiếng nói của Đảng, Nhà nước một cách chính xác, công bằng, cân bằng đến mọi người dân trong nước và thế giới với sự kiên định vừa làm tròn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội. Với truyền thống tốt đẹp đã xây dựng được, với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn cao, tôi tin rằng, nhất định đội ngũ những người làm báo Việt Nam làm tròn sứ mệnh ấy”.

Báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để phát huy hơn nữa vai trò của mình, báo chí cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)