Huyện Đại Lộc: Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực thu hút đầu tư

10:26:13 | 2/7/2024

Nằm trong cụm động lực của tỉnh, là cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh Quảng Nam theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đại Lộc đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp, chương trình hành động cụ thể nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng Đại Lộc phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.


Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (ngoài cùng bên phải) ký cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng giữa huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên với chủ đầu tư

Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ

Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: “Xác định kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là nền tảng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một khi kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân sẽ chính là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế”.

Những năm qua, huyện Đại Lộc đã tranh thủ các nguồn vốn, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và cân đối nguồn vốn ngân sách huyện để tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tuyến ĐH3.ĐL nối từ ĐT609B đến QL14B (nay là tuyến đường ĐT609C) qua địa bàn các xã Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong đã được đầu tư hoàn thành, mặt đường được mở rộng hơn, hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư hoàn thiện, đã làm cho bộ mặt nông thôn của các xã vùng B ngày càng khởi sắc, góp phần xóa dần khoảng cách phát triển giữa các vùng trên địa bàn huyện; dự án cầu Tân Đợi và đường dẫn hoàn thành đưa vào sử dụng đã khơi thông và kết nối tuyến ĐH12.ĐL với QL14B, tạo động lực phát triển kinh tế vùng Tây Đại Lộc, góp phần hoàn thiện các tuyến giao thông huyết mạch phía Tây của huyện. Đặc biệt, các dự án cầu Giao Thủy và tuyến đường dẫn từ cầu Giao Thủy đến QL14B, cầu Sông Thu, cầu An Bình, cầu Văn Ly và đường dẫn đã và đang hoàn thành trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, kết nối huyện Đại Lộc với các địa phương lân cận, tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh các dự án, công trình mang tính kết nối liên vùng, huyện Đại Lộc cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội thị, các tuyến đường tránh phía Tây thị trấn Ái Nghĩa, tuyến đường giao thông nối từ ĐH3.ĐL (Đại An) đi Trung tâm hành chính huyện đang triển khai sẽ kết nối, hoàn thiện hạ tầng khung của thị trấn Ái Nghĩa, góp phần đưa thị trấn trở thành đô thị loại IV trước năm 2030.

Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Các công trình kiên cố hóa mặt đường huyện, kiên cố hóa hệ thống đường giao thông nông thôn đã được triển khai thực hiện, nhân dân đồng tình hưởng ứng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc hiến đất mở đường lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện và đem lại nhiều kết quả, giao thông đi lại thuận lợi, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. “Đến cuối năm 2024, huyện Đại Lộc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện NTM và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Quảng Nam thẩm định, xét đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM.” - ông Lê Văn Quang thông tin thêm.


Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án nối quốc lộ 14H đến ĐT.609C

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Đại Lộc là một trong các huyện của tỉnh Quảng Nam có tuyến đường QL14B chạy qua, đây là tuyến đường chiến lược rất quan trọng, nối từ cảng Tiên Sa đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đại Lộc cũng là một trong các huyện nằm trong cụm động lực của tỉnh, là cực tăng trưởng phía Bắc Quảng Nam theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Do đó, huyện Đại Lộc chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp quy hoạch nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thể nói, hiện Đại Lộc đang trở thành điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư với 44 dự án đã có chủ trương đầu tư do Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp (CCN) quản lý, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho 8.858 lao động. Trong đó, đã có 27 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 6.251 lao động và đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của huyện. Tổng doanh thu của năm 2023 tại các CCN đạt khoảng 3.496 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 76,99 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Quang cho biết: “Để tạo môi trường thuận lợi cho DN hoạt động, huyện Đại Lộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện cải cách thủ tục hành chính với quyết tâm là địa phương của tỉnh đi đầu trong cải cách hành chính. Trong đó, tập trung vào củng cố, đào tạo và tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp; xây dựng lại quy chế, quy trình trên tinh thần rút ngắn thủ tục và thời gian thực hiện; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường giải quyết hồ sơ, xử lý công việc trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN”.

Hiện nay, huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung tuyến QL14B đoạn đi qua địa bàn huyện Đại Lộc. Trong đó, tập trung khớp nối các cụm công nghiệp (CCN) hiện có vào định hướng quy hoạch phát triển khu công nghiệp ở những vị trí thuận lợi như tại xã Đại Đồng (có 240ha), xã Đại Quang (có 215ha), nhằm đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phát triển công nghiệp, tiến đến định hướng phát triển Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc tuyến QL14B, kết hợp với việc đầu tư hệ thống đường gom dọc tuyến để đảm bảo an toàn giao thông. Đề xuất UBND tỉnh bổ sung CCN Đại Sơn (50ha), xã Đại Sơn vào quy hoạch phát triển mạng lưới các CCN trên địa bàn tỉnh, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và di dời các cơ sở, nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào CCN này.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện Quy hoạch vùng huyện giai đoạn đến năm 2030 và triển khai thực hiện có hiệu quả sau khi được phê duyệt. Tổ chức phổ biến, công khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Ái Nghĩa giai đoạn đến năm 2030 và thực hiện việc quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Đẩy nhanh việc triển khai các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa; phát triển hạ tầng đô thị thị trấn Ái Nghĩa.

Ngoài ra, phát huy tiềm năng và lợi thế, đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; tăng cường xúc tiến thương mại, huy động các nguồn lực để đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống chợ truyền thống; xúc tiến đầu tư các dự án thương mại - dịch vụ như: Trung tâm thương mại ngã tư Ái Nghĩa, Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông. Đồng thời, thực hiện tốt các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn huyện; ưu tiên phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng gắn với du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch nông nghiệp, làng quê. Trong năm 2024, tập trung thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án: Khu du lịch sinh thái sông Cùng, Khu du lịch sinh thái Suối Mơ…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại các địa phương. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, tranh thủ cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng (FSC); thu hút chế biến sâu để nâng cao giá trị sản xuất rừng.

“Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Đại Lộc phát triển”, trong thời gian tới, huyện Đại Lộc cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; luôn sát cánh đồng hành cùng doanh nghiệp, chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhanh, dứt điểm các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính như thủ tục liên quan đến đất đai, công tác giải phóng mặt bằng,... Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và là chỗ dựa vững chắc để các doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh tại địa phương”, ông  Lê Văn Quang nhấn mạnh.

Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)