Công ty TNHH Lan Cường: Nỗi lo nguồn nguyên liệu
Tại Bình Phước, cây điều đóng vai trò quan trọng trong trong việc cải thiện đời sống người dân tại địa phương. Chính vì thấy được điều này, từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH Lan Cường đã luôn phấn đấu nỗ lực để tận dụng tối đa các lợi thế hướng đến mục tiêu đưa ngành điều Bình Phước “bay cao, bay xa”.
Tạo vị thế vững chắc
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – Giám đốc Công ty TNHH Lan Cường xuất thân là chủ cơ sở thu mua, kinh doanh điều (từ năm 2004). Với những định hướng kinh doanh đúng đắn, việc “làm ăn” của bà cũng ngày càng tốt lên. Song nhận thấy Bình Phước vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, do vậy đến năm 2008, bà quyết định thành lập Công ty TNHH Lan Cường. “Những ngày đầu thành lập Công ty, tôi đã gặp không ít khó khăn. Nhưng bằng quyết tâm cùng sự giúp sức từ mọi mặt từ nhiều phía nên chỉ qua 5 năm hoạt động, Công ty cũng đã dần đi vào ổn định và có vị thế vững chắc hơn, đặc biệt nhu cầu thị trường và khách hàng ngày càng tăng. Để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, vừa qua chúng tôi đã quyết định nhập hàng trực tiếp từ châu Phi về để sản xuất chế biến” – bà Lan chia sẻ.

Ngoài việc tìm đầu vào chất lượng, Công ty cũng đặc biệt quan tâm đến công tác cập nhật các dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất. Song song với đó, bà Lan luôn chú trọng vào công tác đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, thông qua tạo điều kiện để nhân viên được học tập kinh nghiệm từ các cơ sở trong vùng cũng như nhiều nước có tiếng trong ngành. Hiện đơn vị có 150 cán bộ công nhân viên cùng hệ thống dây chuyền máy móc đang thay thế dần cho những hoạt động thủ công. Nhờ vậy, đơn vị cũng đã dần dần tăng quy mô về sản lượng hàng nhập về và mở rộng xưởng chế biến; công suất chế biến đạt 12.000 tấn điều thô/năm; các sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Được biết thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đưa năng suất lên 5.000 tấn/năm.
Cần tăng cường liên kết “4 nhà”
“Công nghệ chế biến điều luôn thay đổi để nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng về chất lượng. Tuy nhiên để thực hiện thành công quá trình này thì vấn đề quan trọng chính là dòng vốn. Từ ngày đầu thành lập, Lan Cường đã luôn may mắn khi chính quyền địa phương cũng như các ngân hàng đã luôn tạo điều kiện trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn để Công ty tự tin, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Hy vọng trong thời gian tới, đơn vị sẽ còn tiếp tục nhận được sự giúp sức đáng quý này” – bà Lan bày tỏ.
Tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào hiện đang là thách thức cho các doanh nghiệp chế biến điều. Cây điều này rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố dẫn đến có những vụ mùa không có trái hoặc trái không có chất lượng. Trong năm 2016 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành điều, trong đó diện tích điều toàn tỉnh ổn định ở khoảng 181.000 ha đến năm 2020. Trước tình hình trên cũng như để đạt mục tiêu đã đề ra, bà Lan hy vọng chính quyền sẽ tăng cường công tác vận động người dân chủ động tham gia các khóa học chăm sóc cây điều. Song song đó tạo sự liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông); hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với tổ chức của những người trồng điều trên địa bàn... Thành lập các câu lạc bộ liên kết sản xuất như tổ kinh tế hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất, câu lạc bộ và liên minh nông dân trồng điều. Bình Phước cũng cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp lớn của tỉnh làm đầu mối liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hình thành đầu mối trực tiếp xuất khẩu và nhập khẩu điều. Đồng thời, có chính sách hấp dẫn để kêu gọi, thu hút thêm nhiều nguồn lực (doanh nghiệp, nhà khoa học…) cho việc đầu tư nghiên cứu chuỗi giá trị cây điều, nhất là trái điều (hiện nay chưa được tận dụng, gây lãng phí).
Thiên Hoàng