Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Hồi cuối năm 2017, Bộ Y tế cho biết sẽ quyết tâm cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Ngay trong tháng 12/2017, Bộ này đã ban hành bản dự thảo nghị định mới để thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Điểm mới của Nghị định thay thế là giao quyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm, ngoại trừ 3 nhóm gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học; phụ gia thực phẩm là những nhóm buộc phải đăng ký với cơ quan chức năng. Sau khi tự công bố doanh nghiệp được quyền sản xuất. Tức là có khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải tiến hành các thủ tục về mặt hành chính. Nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điểm mới nữa của dự thảo Nghị định này là giảm thời gian và các thủ tục công bố; Quy định trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm và công bố công khai tên sản phẩm của tổ chức cá nhân.... Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc cắt giảm đó sẽ tiết kiệm được 1,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực ATTP, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, Bộ sẽ giảm từ 54 điều kiện xuống còn 46 điều kiện; cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm giảm từ 57 điều kiện còn 48; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ 152 điều kiện còn 133 điều kiện.
Cắt 90-95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu
Bộ Y tế khẳng định với con số này sẽ tiết kiệm được khoảng 7 triệu ngày công và khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành. Theo dự thảo Nghị định mới, ước tính số sản phẩm tự công bố chiếm khoảng 90% hay nói cách khác là cắt giảm được 90% số lượng sản phẩm cần có Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm. Ít nhất 95% số mặt hàng không cần qua kiểm tra giảm do chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% tổng số mặt hàng thuộc đối tượng kiểm tra giảm. Số mặt hàng được áp dụng kiểm tra giảm là sau 3 lần kiểm tra thường và các mặt hàng được sản xuất tại các cơ sở có chứng nhận GMP, HACCP... Số mặt hàng phải áp dụng kiểm tra chặt tối đa 2% (tùy vào cảnh báo). Như vậy, ước tính số mặt hàng không phải kiểm tra Nhà nước vào khoảng 90-95% tùy thuộc vào cảnh báo và số lượng mặt hàng đạt 3 lần NK liên tiếp.
Với các sản phẩm thuộc diện kiểm tra thông thường, thời gian kiểm tra hồ sơ cũng được đề xuất giảm từ sáu ngày xuống còn ba ngày; nhiều thành phần hồ sơ được lược bỏ.
Song song với công tác cắt giảm mạnh các thủ tục chuyên ngành trong lĩnh vực ATTP, Bộ Y tế cũng đang thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, tính tới thời điểm hiện tại đã kết nối 5 thủ tục hành chính liên quan ATTP và thiết bị y tế với hải quan. Dự kiến năm 2020, các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính được thực hiện thông qua cơ chế 1 cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công mức 4, được kiểm tra, thu phí qua hệ thống điện tử.
Những thay đổi căn bản về phương thức quản lý có tính chất đột phá này đã tháo gỡ căn bản những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực ATTP, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Tại cuộc họp đánh giá hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm và cho ý kiến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP được tổ chức vào trung tuần tháng 12/2017, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các địa phương, hiệp hội ngành hàng đã nhất trí kiến nghị Chính phủ sớm thông qua và ban hành văn bản thay thế nhằm kiến tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các DN trong lĩnh vực này.
Nguyễn Thanh