Các KCN, KKTCK Long An:
Động lực đô thị hóa nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

14:41:04 | 17/1/2019

Phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có, nhất là vị trí đắc địa - cầu nối giữa TP.Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua tỉnh Long An đã có bước đột phá trong phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK); trở thành điểm đến gia tăng lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư. Sau đây là nội dung trao đổi của Tạp chí Vietnam Business Forum với ông Trương Văn Triều, Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh. Hoàng Lâm thực hiện.


Ông Trương Văn Triều, Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Long An

Xin ông phác họa những nét chính trong bức tranh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại các KCN, KKTCK Long An tính đến thời điểm hiện nay?

Hiện toàn tỉnh có 28 KCN (tổng diện tích 10.557,84 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam năm 2015, định hướng đến năm 2020; trong đó có 16 KCN đang hoạt động với diện tích đất công nghiệp 2.702 ha.



Đến nay tại các KCN tỉnh thu hút được 1.412 dự án (trong đó 637 dự án FDI và 775 dự án DDI); tổng vốn đầu tư 3.790,15 triệu USD và 77.971,26 tỷ đồng. Hiện có 864 dự án đang hoạt động, trong đó có: 383 dự án FDI với tổng vốn đầu tư thực hiện lũy kế 2,12 tỷ USD; 481 doanh nghiệp (DN) DDI với tổng vốn đầu tư thực hiện lũy kế 21.901 tỷ đồng. Sự phát triển nhanh của các KCN đã kéo những đô thị xung quanh phát triển theo, lĩnh vực dịch vụ cũng liên tục mở rộng. Từ đó, những vùng đất hoang hóa trước đây, đất nông nghiệp năng suất thấp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức khi hình thành KCN đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa vùng nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Ngoài ra hoạt động của các KCN đã tạo việc làm cho khoảng 133.000 lao động.



Cùng với các KCN, Long An đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập KKTCK Long An với tổng diện tích 13.080 ha; hiện có 2 dự án FDI có vốn đầu tư 75 triệu USD với diện tích 21,2 ha và 2 dự án DDI thuê 0,66 ha đất.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, KKTCK, được biết hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng DN, nhất là giảm bất cập từ thủ tục hành chính (TTHC) đã và đang được lãnh đạo tỉnh Long An tích cực triển khai. Ông chia sẻ cụ thể hơn về nỗ lực này?

Ban Quản lý KKT đã thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng DN, đặc biệt là cắt giảm thời gian giải quyết TTHC so với quy định của bộ, ngành, Trung ương (có một số TTHC giảm từ 30% đến 50% thời gian giải quyết); tập trung thực hiện giải quyết TTHC đảm bảo: minh bạch, nhanh chóng, đúng pháp luật và luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An đối với tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, phấn đấu đảm bảo 100% hồ sơ được giải quyết đúng thời hạn quy định.



Hiện nay, Ban Quản lý KKT tỉnh Long An có tổng số 56 TTHC, trong đó có 22 TTHC được cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 3. Ban đã thực hiện rất tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC đối với các tổ chức, cá nhân; trong đó trên 80% hồ sơ được giải quyết trước hạn và không có hồ sơ trễ hạn, góp phần nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện TTHC.

Đầu tư phát triển hạ tầng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần gia tăng sức hút của môi trường đầu tư. Vậy công tác đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở tại các KCN, KKTCK được tỉnh đẩy mạnh triển khai ra sao?

Thời gian qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng tại các KCN được các chủ đầu tư hạ tầng thực hiện khá tốt, 100% các KCN đi vào hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải. Các chủ đầu tư hạ tầng luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để các DN đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án đi vào hoạt động.

Đối với KKTCK, hiện có hai nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư hạ tầng, trong đó một nhà đầu tư được UBND tỉnh ghi nhận chủ trương đầu tư hạ tầng KCN. Ban Quản lý đang hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định. Để đẩy mạnh phát triển KKTCK, Ban tiếp tục mời gọi DN nghiên cứu đầu tư các dự án: hạ tầng KCN cửa khẩu Bình Hiệp; hạ tầng Khu dân cư, thương mại; đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao…

Xin ông chia sẻ thêm về định hướng xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN, KKTCK tỉnh Long An giai đoạn đến năm 2020 cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, KKTCK?

Định hướng đến năm 2020, các KCN, KKTCK tỉnh ưu tiên xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững. Chọn lọc các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thúc đẩy DN tham gia vào quá trình sản xuất; hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm quản lý…Tìm kiếm cơ hội hợp tác, mời gọi đầu tư từ các nhà đầu tư, các dự án có quy mô lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, … phù hợp với tiềm năng, trình độ và định hướng phát triển của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, KKTCK, bên cạnh việc xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư như: Giới thiệu KKTCK tỉnh Long An; thông tin các dự án KCN, khu dân cư, thương mại trong KKTCK đang mời gọi đầu tư; phối hợp giới thiệu các dự án dân cư, thương mại khác trong tỉnh Long An.

Ngoài ra chúng tôi sẽ ưu tiên thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư như: các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Liên bang Nga, Đài Loan (Trung Quốc)…; chương trình kết nối địa phương và xúc tiến đầu tư tại bang California, bang Virginia (Hoa Kỳ) và tại Hàn Quốc; thuê chuyên gia tư vấn đầu tư Nhật Bản làm thành viên Japan Desk Long An…

Trân trọng cảm ơn ông!