Sức hút từ KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi
? Thanh Tùng
Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi tiếp tục khẳng định được vị thế hàng đầu của các KKT ven biển, là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với tiềm năng thế mạnh về hệ thống cảng biển nước sâu, quỹ đất phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện, cộng với chính sách ưu đãi, thông thoáng, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến "đại công trường" KKT Dung Quất những ngày này sẽ được chứng kiến không khí xây dựng, sản xuất sôi động. Đây cũng chính là minh chứng sống động cho thấy KKT hàng đầu khu vực miền Trung này đang tăng tốc trong giai đoạn mới.
Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã có nhiều dự án quy mô lớn đi vào hoạt động hiệu quả như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, VSIP Quảng Ngãi...; góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.
Điển hình như Doosan Vina - khu phức hợp công nghiệp nặng công nghệ cao hàng đầu tại KKT Dung Quất: sau 12 năm hình thành và phát triển, Doosan Vina đã góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu GDP của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương. Doosan Vina còn đồng hành cùng với tỉnh Quảng Ngãi và Ban Quản lý trong các hoạt động thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc đến với tỉnh nhà.
Hay dự án KCN VSIP Quảng Ngãi, sau thời gian đi vào hoạt động đã nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, thu hút được 19 dự án với tổng vốn đầu tư trên 382,6 triệu USD. Hiện tại có 9 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 6.700 lao động và ước tính sau khi 19 dự án trên đi vào hoạt động sản xuất ổn định sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 27.500 lao động.
Bên cạnh các dự án là “cánh chim đầu đàn” khẳng định được vai trò động lực trong thời gian qua, Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất cũng đang tạo ra sức lan tỏa, góp phần vào sự phát triển đột phá của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi. Chỉ hơn 1 năm sau ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nơi đây đã trở thành một công trường xây dựng nhộn nhịp suốt ngày đêm; tiến độ cũng như chất lượng các hạng mục đều đạt so với yêu cầu đề ra. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, nhất là Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (Ban Quản lý) giúp dự án được thực hiện đúng tiến độ, đặc biệt giai đoạn 2 được triển khai sớm hơn kế hoạch. Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất không chỉ trở thành "thỏi nam châm" thu hút các dự án vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. Bằng chứng là dù chưa vận hành Nhà máy nhưng Hòa Phát đã giải quyết được việc làm cho hơn 4.640 lao động và dự kiến khi hoàn thành đi vào hoạt động cuối năm 2019 sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 8.000 lao động địa phương.
Cùng với các nhà đầu tư hiện hữu, còn có rất nhiều nhà đầu tư mới, các tập đoàn hàng đầu đã "nghe tiếng" và tìm đến KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi để khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo báo cáo của Ban Quản lý, lũy kế đến đầu tháng 9/2018, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã thu hút được 286 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 11,2 tỷ USD (trong đó có 51 dự án FDI với vốn đăng ký 1,34 tỷ USD; 235 dự án trong nước với tổng vốn hơn 9,8 tỷ USD); giải quyết việc làm cho hơn 36.100 lao động. Những con số ấn tượng này cũng đã phần nào minh chứng cho thành công của Quảng Ngãi trong quá trình "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi.
Giải mã sức hút
Theo ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng Ban Quản lý, bên cạnh chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, sở dĩ KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi luôn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư bởi những lợi thế riêng, hết sức đặc thù.
Đầu tiên là hệ thống cảng biển nước sâu, đây là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế. Cảng biển Dung Quất có độ sâu khoảng 14 m, tại đây đã đưa vào vận hành 7 bến cảng chuyên dụng gắn với các nhà máy công nghiệp nặng, các cảng tổng hợp, đáp ứng tàu có trọng tải từ 50.000DWT- 100.000DWT và đang xây dựng hệ thống cảng chuyên dùng của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất cho tàu từ 10.000DWT đến 200.000DWT. Sắp tới, tại Cảng Dung Quất 1 sẽ đưa vào vận hành thành tuyến container quốc tế.
Một sức hút khác của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đến từ hệ thống hạ tầng đáp ứng hiệu quả nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó hạ tầng giao thông kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được triển khai đồng bộ thông qua các dự án: tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đã thông xe đưa vào khai thác ngày 2/9/2018) rút ngắn thời gian di chuyển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng chỉ còn 1 giờ; Cảng hàng không Chu Lai mở rộng giai đoạn 1... Đặc biệt hạ tầng KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi ngày càng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại với sự góp mặt của hai nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng hàng đầu là Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi (đầu tư KCN Quảng Ngãi) và Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt (đầu tư Khu đô thị - Công nghiệp Dung Quất). Thông qua các dự án này đã góp phần tạo ra quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ sẵn sàng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI.
Việc Thủ tướng đồng ý nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm và phát triển KKT Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia mở ra tín hiệu khả quan trong thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi trong thời gian tới. Ngoài ra tại KKT Dung Quất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Sembcorp cũng đang lập thủ tục, triển khai dự án Nhà máy điện khí Dung Quất sử dụng mỏ khí Cá Voi Xanh. Hai dự án trọng điểm này cùng với các dự án quy mô lớn khác như Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Bình Châu - Lý Sơn… đi vào hoạt động hứa hẹn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi sẽ có những bước tăng trưởng đột phá, sớm đưa Quảng Ngãi trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Ông Nguyễn Minh Tài cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới Ban Quản lý sẽ tập trung hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án lớn: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy điện khí Dung Quất...để thu hút các nhà đầu tư phụ trợ cho các dự án này. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng KCN như VSIP Quảng Ngãi, Hoàng Thịnh Đạt… trong việc thu đầu tư, nhất là thu hút dòng vốn FDI.