Thái Bình xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi

23:43:49 | 1/12/2018

Việc thành lập và đầu tư phát triển Khu kinh tế Thái Bình là một trong những trọng điểm mang tính bứt phá, bước ngoặt để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thế, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình xung quanh vấn đề trên. Duy Anh thực hiện.



Ông có thể cho biết những kết quả thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Thái Bình và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn?

Lũy kế đến tháng 9/2018, tổng số có 178 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký 29.220,977 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện 19.834,5 tỷ đồng, đạt 68% so với vốn đăng ký. Trong đó có 133 dự án đầu tư trong nước (chiếm 75% tổng số dự án), vốn đầu tư đăng ký 19.048,338 tỷ đồng (chiếm 65% tổng vốn đăng ký), vốn thực hiện 12.365,10 tỷ đồng, đạt 65% so với vốn đăng ký; có 45 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm 25% tổng số dự án) vốn đầu tư đăng ký 10.172,639 tỷ đồng (chiếm 35% tổng vốn đăng ký), vốn đầu tư thực hiện 7.469,40 tỷ đồng, đạt 73% so với vốn đăng ký.

Đến hết tháng 9/2018, có 145 dự án trong các KCN đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) của các doanh nghiệp KCN 9 tháng đầu năm 2018 thực hiện đạt 16.799,6 tỷ đồng, tăng 19,5% so cùng kỳ năm 2017, đạt 74,5% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI đạt 8.735,79 tỷ đồng, tăng 18,7%. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN, 9 tháng đầu năm 2018 thực hiện đạt 703,8 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 74,7% kế hoạch năm. Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp KCN trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 572 tỷ đồng (thuế XNK thu qua Chi cục Hải Quan Thái Bình đạt 220 tỷ đồng, thu qua Cục Thuế tỉnh đạt 352 tỷ đồng), tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp FDI đạt 257,4 tỷ đồng. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp KCN là 60.713 người, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, lao động trong các doanh nghiệp FDI  là 34.000 người; số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 51.606 lao động, bằng 85% tổng số lao động; thu nhập bình quân của người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông đánh giá sao về chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) của Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình trong những năm qua?

Xác định tầm quan trọng của việc CCHC, nhất là việc cải cách TTHC để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự phát triển bền vững nền kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình, Ban đã tích cực rà soát TTHC, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, nhất là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng,...

Cụ thể, thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm bình quân 35% so với quy định của pháp luật; riêng TTHC về cấp quyết định chủ trương đầu tư giảm 63%  so với thời gian quy định của pháp luật, thời gian cấp giấy phép xây dựng giảm 67% so với thời gian quy định của pháp luật. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh (hằng năm khoảng 60% thủ tục trả trước hạn, 40% trả đúng hạn, không có thủ tục nào trả quá hạn). Ban đã xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 vào trong hoạt động của cơ quan. Công nghệ thông tin được ứng dụng hiệu quả trong quản lý và điều hành của đơn vị.

Thời gian tới, Ban tiếp tục rà soát bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật, nghiên cứu cắt giảm hơn nữa thời gian giải quyết TTHC; triển khai thực hiện hiệu quả các TTHC trực tuyến qua mạng để tiết kiệm thời gian cho cá nhân, tổ chức giải quyết công việc và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước; tích cực hỗ trợ, thường xuyên tiếp xúc kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành để hỗ trợ, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định.

Để Khu kinh tế Thái Bình sớm phát huy hiệu quả, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp đã và đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào?

Việc hình thành Khu kinh tế Thái Bình không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn có tác động lan tỏa cả vùng, góp phần khai thác lợi thế lan tỏa của hai hành lang và một vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Khu kinh tế Thái Bình có các khu chức năng như: Khu trung tâm điện lực Thái Bình; các khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; các khu dân cư đô thị; khu dân cư nông thôn; hệ thống trung tâm; khu hành chính; hệ thống công viên cây xanh. Khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế tổng hợp (khu trong khu) với các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn các nguồn lực bên ngoài để khai thác các tiềm năng phát triển của khu vực. Từng bước hình thành các chức năng của Khu kinh tế. Tập trung phát triển mạnh về công nghiệp: Đóng tàu vận tải biển, tàu đánh cá và các ngành sử dụng nguyên liệu khí hóa than, khí thiên nhiên (điện khí, điện gió, điện năng lượng, nhiệt điện, sản xuất phân đạm, vật liệu xây dựng cao cấp, nguyên liệu cho ngành khai khoáng...); kinh tế cảng; du lịch, thương mại; dịch vụ; phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Để Khu kinh tế Thái Bình sớm phát huy hiệu quả, Ban đang triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm căn cứ thu hút, triển khai các dự án đầu tư tiềm năng vào hoạt động trong Khu kinh tế; kiện toàn bộ máy quản lý; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư; tăng cường quảng bá xúc tiến đầu tư. Xây dựng hạ tầng đồng bộ kinh tế - xã hội Khu kinh tế; đặc biệt là các tuyến đường giao thông, giao thông huyết mạch, trong đó có tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua Thái Bình dự kiến sẽ khởi công vào tháng 01/2019.

Tiếp tục triển khai các việc lập quy hoạch phân khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong Khu kinh tế theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình.

Trân trọng cảm ơn ông!