Được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 bao gồm 10 xã thuộc huyện Nghi Lộc, 6 xã thuộc huyện Diễn Châu và 2 phường thuộc thị xã Cửa Lò và đến nay diện tích mở rộng lên 20.776,47 ha...; sau gần 12 năm nỗ lực phát triển, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã biến một vùng đất hoang vu trở thành vùng đất giàu sức sống và có sức cuốn hút mạnh mẽ.
Chính nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, Trưởng Ban QLKKT Võ Văn Hải khẳng định: Công tác thu hút đầu tư trong những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã thu hút được 217 dự án đầu tư, trong đó có 178 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 36.345,221 tỷ đồng; 39 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1.548 triệu USD. Một số dự án có quy mô lớn như: Dự án KCN, đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An 76,4 triệu USD, Dự án KCN đô thị Hemaraj 1 Nghệ An 2.056 tỷ đồng; 02 Dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen ở KCN Nam Cấm và KCN Đông Hồi hơn 10.000 tỷ đồng; Dự án Trạm nghiền Clanke và cảng biển Vissai của The Vsai có vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng...
Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, vì vậy công tác cải cách hành chính tại Ban quản lý KKT Đông Nam luôn được Đảng uỷ, Lãnh đạo Ban đặc biệt quan tâm. Với tinh thần phục vụ Nhà đầu tư, Ban quản lý KKT Đông Nam đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp để góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự, thủ tục đầu tư vào KKT và các KCN Nghệ An; Thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008; Nâng cao chất lượng hoạt động trang thông tin điện tử: Dongnam.gov.vn và hệ thống thư điện tử www.nghean.gov.vn; Đưa Văn phòng điện tử Biz Office đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của Ban; Tăng cường quản lý hoạt động của bộ phận một cửa, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy trình, quy định. Trong những năm qua đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động đã có nhiều cố gắng trong thực thi công vụ, được nhà đầu tư đánh giá cao tinh thần phục vụ trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nghệ An cần khai thác tối đa lợi thế, phát huy tính năng động, chủ động hơn nữa trong liên kết, hợp tác với các đại phương để biến “Khát vọng sông Lam” thành “Kỳ tich sông Lam” cả hệ thống chinh trị của tỉnh đã đồng thuận trong cải cách hành chính và tạo động lực thu hút đầu tư để Nghệ An đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội” .
Bởi vậy, BQL sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trong KKT và các KCN đã thành lập; tăng cường công tác thu hút đầu tư đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, các dự án động lực, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tạo việc làm, góp phần tăng thu ngân sách và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa tỉnh Nghệ An. Tập trung phối hợp, hỗ trợ và giải quyết kịp thời các thủ tục cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như: Dự án KCN, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An; Dự án KCN của Tập đoàn Hemaraj; Nhà máy Hoa Sen Nghệ An tại KCN Đông Hồi; Dự án Trạm nghiền xi măng, Cảng Thevissai; Dự án đầu tư xây dựng bến 5, 6, Cảng Cửa Lò; Tổng Kho xăng dầu DKC; Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I, Quỳnh Lập II..; Tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cho phép KKT Đông Nam được hưởng chính sách như các Khu kinh tế trọng điểm. Tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách mới hỗ trợ các nhà đầu tư. Tập trung xây dựng hạ tầng (đường, điện, nước thải, nhà ở xã hội…) theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường theo Thông báo số 706-TB/TU ngày 11/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Hà Thành - Ngô San