13:49:00 | 14/3/2011
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2011 có thể đạt mức 4 tỷ USD-một con số ấn tượng với tốc độ phát triển rất cao, khoảng 30%. Phóng viên Hà Linh đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam xung quanh thông tin này.
![]() |
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam
|
Xin ông cho biết kết quả mà ngành gỗ nói riêng và lâm sản nói chung của Việt Nam đạt được trong năm 2010?
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt được 3,402 tỷ USD - đây là kim ngạch đạt được cao nhất từ trước tới nay. Ngoài các sản phẩm gỗ, giá trị xuất khẩu của các lâm sản ngoài gỗ như song, mây, tre, trúc, tinh dầu,.... đạt trên 200 triệu USD.
Năm 2010 cũng là năm đạt được thành tích khá cao về trồng rừng. Tính đến hết tháng 12/2010, tổng diện tích trồng rừng toàn quốc đạt trên 250.000 ha trong đó có 60.000 ha trồng rừng phòng hộ vượt chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra.
Năm 2010 là năm ngành gỗ Việt Nam đạt được các kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực Quản lý bền vững rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
Vậy những yếu tố nào đã giúp ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trên?
Năm 2010 là năm ngành lâm nghiệp được sự quan tâm của toàn xã hội, sự tham gia mạnh mẽ của người dân, các thành phần kinh tế; đầu tư lớn hơn của Nhà nước, chỉ đạo sát sao của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và sự chủ động của các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, cơ hội mới cho ngành tham gia, thực hiện các cam kết quốc tế để tiếp cận các nguồn tài chính thông qua thị trường cácbon và chi trả dịch vụ môi trường nên sản xuất kinh doanh lâm nghiệp tăng trưởng tích cực. Trong năm 2010, giá trị sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá cao, ước đạt 4% (tăng 0,4% so với kế hoạch giao).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đó ngành lâm nghiệp có vai trò quan trọng trong thực hiện những cam kết chống sa mạc hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Việt Nam thích ứng với Luật LACEY của Hoa Kỳ và kế hoạch FLEGT của cộng đồng Châu Âu.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) vừa dự báo xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm tới sẽ đạt kim ngạch khoảng 4 tỷ USD. Theo ông dựa trên những điều kiện gì mà Hiệp hội đưa ra được kết quả khả quan như vậy?
Năm 2011, ngành công nghiệp gỗ Việt nam đặt ra mục tiêu đạt được 4 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ. Mục tiêu này đặt ra được dựa trên nền tảng phát triển của ngành gỗ trong những năm qua, căn cứ vào tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành công nghiệp gỗ Việt nam. Năm 2000 kim ngạch xuất khẩu (KNXK) sản phẩm gỗ đạt được 219 triệu USD, năm 2010 đạt được 3,402 tỷ USD, như vậy tốc độc tăng trưởng bình quân từ năm 2000 đến 2011 là 29%. Năm 2011 đạt được 4 tỷ USD so với năm 2010 đạt 3,402 tỷ USD, mức tăng trưởng là 600 triệu USD, và tốc độ tăng trưởng mới chỉ đạt 18%/năm, so với các năm trước đó (29%) là rất thấp.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của thế giới là rất lớn. Mỗi năm tiêu thụ khoảng 230 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu 4 tỷ USD mới chỉ bằng 2% nhu cầu của thế giới. Mỹ, EU và Nhật sau 2 năm khủng hoảng kinh tế đã dần dần phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ đã tăng lên. Đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ năm 2010 so với năm 2009 tăng 20%, EU và Nhật Bản cũng tương tự như vậy. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Cuối năm 2010 và trong 2 tháng đầu năm 2011, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng của năm 2011. Ví dụ như Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định đã có đơn hàng tới 13 triệu USD so với năm 2010 chỉ đạt 10 triệu USD (tăng 30%) ....Chính sách của Nhà nước đã và đang có những giải pháp tạo ra các điều kiện thuận lợi cho DN ổn định sản xuất và phát triển vững chắc.
Xin ông cho biết về mục tiêu và định hướng phát triển của ngành gỗ trong những năm tới?
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 – 2020 đã quyết định mục tiêu và định hướng phát triển ngành công nghiệp gỗ như sau: Về tổng diện tích rừng của Việt Nam đến 2020 sẽ đạt được 16,24 triệu ha. Trong đó rừng phòng hộ là 5,66 triệu ha; rừng đặc dụng là 2,16 triệu ha và rừng sản xuất là 8,4 triệu ha.
Về nhu cầu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, năm 2020 sẽ đạt được sản lượng khai thác gỗ là 22,160 triệu m3. Trong đó gỗ lớn cho công nghiệp và dân dụng là 11,993 triệu m3, gỗ nhỏ cho sản xuất ván nhân tạo là 1682 triệu m3 và gỗ cho sản xuất giấy và bột giấy là 8,283 triệu m3.
Về chế biến và thương mại lâm sản, năm 2020 sẽ đạt các chỉ tiêu sau: Tổng công suất gỗ xẻ: 6 triệu m3/năm, Ván nhân tạo: 540.000 m3 sản phẩm/năm. Giá trị sản phẩm gỗ XK: 7 tỷ USD, khối lượng sản phẩm gỗ XK: 3,5 triệu m3, giá trị XK Lâm sản ngoài gỗ: 0,8 tỷ USD.
Hà Linh 03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc