08:16:42 | 3/1/2022
Năm 2021, đất nước gặp vô vàn khó khăn, thách thức do dịch COVID-19. Tuy nhiên, thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nên dù trong bối cảnh khó khăn đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những “điểm sáng” rất cơ bản.
Những điểm sáng trong năm 2021 sẽ tạo đà phát triển kinh tế đất nước trong năm 2022.
Thứ nhất, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế trước và sau đợt dịch lần 4 thể hiện tính năng động của thị trường và năng lực thích ứng, sáng tạo của các doanh nghiệp.
Sáu tháng đầu năm 2021, nền kinh đã có sự khởi sắc khi tăng trưởng của nhiều địa phương đạt mức khá cao; tăng trưởng GDP của nền kinh tế quý I/2021 đạt 4,72% và quý II/2021 đạt 6,73%. Khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2021 đã phục hồi khá nhanh chóng, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 5,22% (cao hơn tốc độ tăng 4,61% của quý IV/2020). Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế giữa 2 đợt dịch đã cho thấy nội lực và tiềm năng phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai, khả năng ứng phó, sức sống của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khắc nghiệt của đại dịch chính là điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021. Trong đợt dịch COVID-19 lần 4, các doanh nghiệp Việt Nam đã chung vai gánh vác hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời kiên trì chống chọi với dịch bệnh, giữ chân người lao động, bám trụ sản xuất với nhiều hình thức sáng tạo. Nhiều doanh nhân còn tham gia góp ý, phản biện chính sách với chính quyền các cấp trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, kiến tạo các giải pháp phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.
Năm 2021, nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên đến gần 160.000 doanh nghiệp. Như vậy bình quân mỗi tháng trong năm 2021 đã có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này thể hiện nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Thứ ba, trong năm 2021 khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, có những thời điểm chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản nông sản bị đứt gãy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, đạt 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển của khu vực nông nghiệp, đã góp phần quan trọng cho xuất khẩu nông sản năm 2021, đạt 48,6 tỷ USD (tăng 14,9% so với năm 2020), phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Năm 2021, tiếp tục có 10 nhóm hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong rổ hàng này, có tới 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Thứ tư, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục mới, với tổng giá trị 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ UDS (tăng 19% so với năm 2020), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD (tăng 26,5% so với năm 2020), tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Cùng với việc tháng 12, ước xuất siêu đạt 1,5 tỷ USD, đã giúp cho kim ngạch ngoại thương của Việt Nam trong năm 2021 có sự đảo chiều ngoạn mục, xuất siêu cả năm ước đạt 4 tỷ USD. Điểm sáng của ngoại thương năm 2021 là kết quả của sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, đồng thời cũng là kết quả của sự nắm bắt thời cơ từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng có hiệu quả.
Thứ năm, hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là điểm sáng, phản ánh sức thu hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI hàng đầu của các nước, tuy nhiên trong thời điểm khó khăn này, các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc, EU... vẫn khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Đáng chú ý, về địa bàn đầu tư, TP. Hải Phòng đã vượt qua tỉnh Long An, trở thành địa phương có số vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, với 5,26 tỷ USD, chiếm 16.9% tổng vốn FDI của cả nước, kế đến là Long An, TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội. Điều này cho thấy, đầu tư nước ngoài vẫn được thu hút tập trung tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Thứ sáu, phát triển kinh tế số được coi là điểm nhấn của kinh tế Việt Nam năm 2021. Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, cung ứng hàng hóa thiết yếu, giáo dục đào tạo, đến việc duy trì sản xuất và liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các địa phương, giữa trong nước với nước ngoài, đều được kích hoạt và thực hiện thông qua chuyển đổi số (digital transformation) và kinh tế số (digital economy). Trong năm 2021, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020. Còn theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” của Google, Temasek và Bain & Company (10/11/2021), quy mô của nền kinh tế số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á năm 2021 tương đương với Malaysia (đứng sau Indonesia, Thái Lan), dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 57 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Indonesia).
Thứ bảy, bảo vệ sức khỏe, thực hiện an sinh xã hội cho người dân, đồng thời duy trì sản xuất kinh doanh để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, là mục tiêu trung tâm và cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/12/2021, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng), trong đó thu nội địa bằng 110,4%, thu từ dầu thô bằng 197,4% và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 122,1% (so với dự toán năm). Đây là nỗ lực chung của cả nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động ngoại thương, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Năm 2022, Việt Nam và thế giới vẫn đang đứng trước thách thức lớn và khó lường của dịch bệnh. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 được Quốc hội thông qua, trong đó: GDP tăng từ 6,0-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,0%...
Đứng trước bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, trong năm 2022, chúng ta cần tiếp tục phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, không chỉ là bài học từ thực tiễn những năm vừa qua mà đây chính là nhân tố quyết định, là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong năm 2022, thị trường nội địa vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, khi tiêu dùng nội địa (đóng góp khoảng 68-70% GDP) được phục hồi và phát triển, các khoản chi tiêu của Chính phủ (đầu tư công, hỗ trợ danh nghiệp và người lao động) sẽ kích thích chi tiêu trong nước, khích thích tăng trưởng. Hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thông qua các hình thức khuyến khích đầu tư vào khu công nghệ cao, vườn ươm sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Tóm lại, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 có khá nhiều “điểm sáng” tạo đà cho bước phát triển mới của nền kinh tế trong các năm tới. Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển khởi sắc, với các quyết sách phù hợp, kịp thời của Chính phủ và tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân. Đây cũng chính là nhân tố quyết định, là động lực và niềm tin, để nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
PGS.TS Nguyễn Chí Hải
Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM)
Nguồn: baochinhphu.vn
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI