09:45:22 | 22/7/2022
Để xúc tiến xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hơn nữa các lợi thế từ mặt hàng nông sản nhiệt đới và tận dụng "cao tốc" EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng và châu Âu nói chung.
Nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu nông sản sang châu Âu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trải qua hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU, quan hệ giữa hai bên đang phát triển tốt đẹp, có chiều sâu và đạt nhiều thành tựu tích cực với nhiều hoạt động, cơ chế hiệu quả.
Hiệp định thương mại EVFTA mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển thương mại giữa hai bên, các mặt hàng trao đổi có tính bổ trợ, không cạnh tranh nhau. Thương mại nông lâm thủy sản (NLTS) hai chiều tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 5.2 tỷ USD năm 2021. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, con số này đã đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện EU là thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU trong năm 2021.
Tỷ trọng như vậy cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU, Chủ tịch VCCI nhận định.
Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý vào thị trường EU. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là quốc gia thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế so sánh trong xuất khẩu nông sản cùng môi trường vĩ mô ổn định an toàn, thị trường quy mô lớn với 100 triệu dân với cửa ngõ thuộc khu vực Đông Nam Á…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia tích cực vào chuỗi lương thực toàn cầu trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng với năng lực sản xuất lúa gạo năm 2021 đạt 43,86 triệu tấn lúa, trong đó xuất khẩu đạt 6,7 triệu tấn.
Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là công nghệ lõi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…cụm liên kết ngành các vùng chuyên canh lớn, chế biến nông lâm thủy sản, nâng cao giá trị nông sản, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại logistics.., thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Tận dụng bước đầu lợi thế từ EVFTA
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại thực phẩm. Hiện nay hiệp định này đã thúc đẩy thương mại song phương trong nông nghiệp từ hai phía.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sang EU từ khi EVFTA có hiệu lực vẫn tăng lên tới 40%, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như thủy sản, gạo, rau củ tươi, chế biến và cà phê sang EU sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng hơn khi mức thuế quan được loại bỏ.
Bên cạnh đó, EVFTA cũng là hiệp định đầu tiên và duy nhất có bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do này có 39 bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mang lại lợi ích tốt hơn cho người nông dân và doanh nghiệp. Có thể kể đến các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng… Việc mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể được thông qua đàm phán trong thời gian tới.
Mặc dù EVFTA đóng vai trò lớn trong việc thông thương hàng hóa giữa EU và Việt Nam, ông Khanh lưu ý, nếu không tranh thủ thời gian để tận dụng EVFTA thì Việt Nam có thể sẽ “hối hận” vì trong tương lai có thể đối mặt với ngày càng nhiều sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực với khả năng xuất khẩu các mặt hàng tương đương sang thị trường EU.
Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 10% các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về EVFTA. Như vậy, có đến 90% doanh nghiệp Việt không hiểu hoặc chưa hiểu toàn diện về hiệp định thương mại song phương này. Điều này có thể là rào cản hạn chế doanh nghiệp Việt Nam tận dụng triệt để các cơ hội từ thị trường EU.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù EU là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, nhưng đây là một thị trường có yêu cầu cao, khắt khe về vấn đề kiểm dịch động thực vật. Ngoài ra, các nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ, gạo và đồ ăn liền chưa đạt được mức độ sản lượng cần thiết của các chuỗi siêu thị lớn tại EU.
Theo các chuyên gia, giải pháp tăng cường vị thế và uy tín nông sản Việt Nam tại thị trường EU là cần cải thiện chất lượng, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định của EU. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý và các yếu tố phát triển bền vững.
Quan hệ giữa Việt Nam và EU còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa Nhờ EVFTA, thương mại nông sản giữa EU và Việt Nam được ước tính sẽ tăng trưởng hơn nữa vào năm 2022. Để đảm bảo mức tăng trưởng này mạnh mẽ và bền vững, tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện một số bước quan trọng. Thứ nhất, cán cân thương mại nông sản đang nghiêng đáng kể về phía Việt Nam, với chênh lệch khoảng một tỷ EUR.Tôi nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ để tăng tỷ trọng xuất khẩu của EU trong cán cân này, như một yếu tố trong sự gia tăng thương mại song phương. Đạt được sự cân bằng như vậy là điều cần thiết để đảm bảo mối quan hệ thương mại của chúng ta có thể đạt hiệu quả trong tương lai, có thể thêm các sản phẩm mới - từ cả Việt Nam và EU - vào danh sách các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong EVFTA. Là một phần của các ưu tiên chung, các viện nghiên cứu Việt Nam đã được hưởng lợi từ chương trình Horizon (Chân trời) của EU về nghiên cứu và đổi mới. Các dự án do EU hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm từ việc tích hợp cây cà phê vào các hệ thống nông lâm kết hợp đến tăng cường chuỗi giá trị lương thực và các tương tác qua lại trong mạng lưới. EU cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành ca cao ở Việt Nam thông qua một dự án mới có tên gọi “Ca cao sản xuất qua kinh tế tuần hoàn”, với khoản tài trợ của EU trị giá 1.550.000 EUR. Dự án này trở thành một phần của danh sách quan trọng các dự án do EU hỗ trợ, được thiết kế để giúp giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường mà Việt Nam phải đối mặt, đồng thời để phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là cho các nông hộ nhỏ. Sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU Mặc dù là thị trường nhập khẩu rau quả đầy tiềm năng nhưng lượng rau quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU. Trong nhóm rau, củ, quả tươi xuất khẩu sang khu vực EU thì trái cây luôn đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Những năm gần đây, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân tại nhiều khu vực ở Châu Âu đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành rau, củ, quả Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp rau quả của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác EU, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều nước trong EU. Tuy nhiên, EU là thị trường “khó tính”, có yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Khi xuất khẩu rau, quả sang EU, nếu bị vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả ngành rau quả Việt Nam. Do đó, việc sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Việc chế biến sâu sẽ giúp tận dụng được các sản phẩm rau, củ, quả vào làm nguyên liệu cho chế biến, từ đó khai thác tối đa giá trị của các sản phẩm thu hoạch được, giúp nông dân tăng thêm thu nhập do sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết. Cần tìm ra giải pháp để đáp ứng những tiêu chí của EU Các nhà đầu tư EU có cái nhìn tích cực đối với EVFTA. Theo khảo sát giữa doanh nghiệp do EuroCham và VCCI được thực hiện trong quý II/2022 cho thấy số lượng doanh nghiệp EU thu được lợi ích khi kinh doanh tại Việt Nam đã gia tăng từ 5% trong quý IV/2021 lên 8% trong quý II/2022. EVFTA đã mở ra một thời đại mới cho thương mại giữa Việt Nam và EU. Trong thập kỷ vừa qua có nhiều chính sách thuế quan nhưng với EVFTA chúng ta có thể thấy được các thuế quan giảm nhiều và thậm chí giảm xuống 0% trong những năm tới. Trong bối cảnh những yêu cầu từ phía EU ngày một gia tăng, nguồn nguyên liệu thô rau củ quả đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU còn hạn chế. Phía EU liên tục cập nhật và thông tin về các chỉ số SPS dành cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu, đồng thời tăng cường các tiêu chí các chứng nhận liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển xã hội bền vững. Các điều khoản của EU không có mục đích hạn chế xuất khẩu mà nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe và chất lượng nông sản xuyên suốt thị trường EU. Xuất khẩu nông thủy sản gặp khó khăn trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn này, gây ảnh hưởng đến vị thế của thị trường Việt Nam. Vì thế Việt Nam cần tìm ra giải pháp để đáp ứng những tiêu chí của EU và quốc tế để xâm nhập các thị trường hiệu quả hơn. |
Hương Ly (Vietnam Business Forum)