08:00:19 | 30/8/2022
Là ngành kinh tế chủ chốt mang lại kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như các nước khác đang đứng trước thách thức của BĐKH, đòi hỏi các giải pháp ứng phó cũng như sự hợp tác, liên kết mọi thành phần kinh tế.
Nông nghiệp đối mặt thách thức biến đổi khí hậu
Nông nghiệp đóng vai trò then chốt với nền kinh tế Việt Nam, là “trụ đỡ” để đưa nền kinh tế qua nhiều giai đoạn khó khăn nhất, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua mức tăng GDP của ngành nông nghiệp còn cao hơn tăng trưởng GDP cả nước đạt 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Thống kê từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã về đích ngoạn mục kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỉ USD - là mức cao kỷ lục, vượt 6,6 tỉ USD so với chỉ tiêu được giao, thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 6,4 tỉ USD, góp phần quan trọng vào xuất siêu của cả nước.
Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) đang được đặt ra như một nguy cơ lớn tác động lên ngành nông nghiệp toàn cầu trong đó có Việt Nam. Tình trạng nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán đang hiện hữu ngày càng rõ rệt hơn. Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích nông nghiệp, làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050, v.v…
Tháng 12/2021, Việt Nam đã cùng 150 nước tham gia Hội nghị COP26. Tại đây, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ được quốc tế quan tâm, trong đó có 2 nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”; cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Thúc đẩy phát triển bền vững ngành nông nghiệp thích ứng BĐKH
Ông Phạm Phú Ngọc – Trưởng bộ phận Hỗ trợ nông nghiệp Nestlé Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm Nestlé trong việc giảm lượng khí thải nhà kính đến từ nông nghiệp
Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, và các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.
Theo đánh giá của Cơ quan môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) năm 2021, sự nóng lên toàn cầu vào cuối thế kỷ này được được dự báo là 2,7°C nếu tất cả các cam kết 2030 vô điều kiện được thực hiện đầy đủ và 2,6°C nếu tất cả các cam kết có điều kiện cũng được thực hiện. Nếu các cam kết đưa phát thải ròng về 0 được thực hiện đầy đủ, thì ước tính nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng khoảng 2,2° C.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Đại Nghĩa - Trưởng bộ môn nghiên cứu kinh tế Tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nguồn lực để hiện thực hóa được các mục tiêu này rất hạn chế do nhu cầu tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của các nước đang phát triển lớn hơn các dòng tiền mà các quỹ tài chính công quốc tế hiện tại huy động được cho ứng phó BĐKH từ 5 đến 10 lần.
Do đó, để thực hiện kế hoạch cần huy động mọi nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia, nhất là khối tư nhân, trong đó Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, kêu gọi hỗ trợ quốc tế và huy động các nguồn lực từ khối tư nhân và nguồn xã hội. Thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, thích ứng BĐKH, các bon thấp, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số – nông thôn hiện đại – nông dân văn minh…
Chia sẻ về "Vai trò và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình hướng tới cam kết Net Zero", ông Phạm Phú Ngọc – Trưởng bộ phận Hỗ trợ nông nghiệp Nestlé Việt Nam cho biết, Cuối năm 2019, Tập đoàn Nestlé đã công bố Cam kết Phát thải ròng bằng “0” – Net Zero - vào năm 2050 cùng với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này. Kiểm đếm phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi cho thấy gần 2/3 lượng khí thải nhà kính đến từ nông nghiệp. Vì vậy giải quyết lượng khí thải này là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của Nestlé để đạt được cam kết Net Zero, trong đó nông nghiệp tái sinh là yếu tố chủ đạo.
“Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình NESCAFÉ Plan Nông nghiệp tái sinh nhằm mục đích bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng của nó bao gồm đất, đa dạng sinh học và nước, mang lại lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội nói chung. Những lợi ích này bao gồm thu giữ carbon trong đất và sinh khối thực vật; cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và giảm phát thải ròng khí nhà kính"- Ông Phạm Phú Ngọc chia sẻ.
Giang Tú (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI