14:05:57 | 26/9/2022
Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào không chỉ là hoạt động kinh tế đơn thuần hai bên cùng có lợi, mà còn thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như mong muốn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội nước bạn. Đáng chú ý, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, đoàn kết và gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào lại chính là nền tảng vững chắc để các nhà đầu tư Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Việt Phương (VPG), đặt trọn niềm tin khi đầu tư tại Lào.
Lễ ký kết hợp đồng giữa Chính phủ Lào và VPG
Hơn 20 năm qua, bằng việc triển khai thành công các nhiệm vụ mà Chính phủ hai nước giao phó, VPG đã khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong hợp tác kinh tế song phương, góp phần vun đắp mối quan hệ hai nước ngày càng trở nên keo sơn, khăng khít.
Ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển doanh nghiệp, Công ty TNHH Việt Phương (tiền thân của Tập đoàn Việt Phương) đã xác định Lào là một trong hai địa bàn chiến lược khi đầu tư ra nước ngoài. Khẳng định mạnh mẽ chủ trương đó, đồng thời dựa trên những thuận lợi từ mối quan hệ đặc biệt hiếm có giữa hai quốc gia, Việt Phương đã sớm có các hoạt động thăm dò xúc tiến đầu tư tại Lào từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX.
Năm 2000, VPG phát triển dự án chế biến gỗ tại tỉnh Khammouane thông qua việc thành lập Công ty Yedco (Công ty Phát triển Kinh tế Thanh niên) - đơn vị đại diện của Tập đoàn hợp tác với Đoàn Thanh niên Cách mạng Lào tại tỉnh Khammouane. Trong khi các doanh nghiệp của những quốc gia khác chỉ tập trung khai thác gỗ để xuất khẩu đi nước thứ ba thì Việt Phương đã xác định mục tiêu lớn hơn là nâng cao giá trị gia tăng tại Lào. Yedco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tiến hành chế biến gỗ ngay tại Lào để xuất sang thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản. Triển khai thành công những nhiệm vụ trên, Yedco đã liên tục nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Lào, Bằng khen của tỉnh Khammouane về những đóng góp ý nghĩa cho công tác phát triển kinh tế - xã hội tại Lào.
Bà Phương Minh Huệ, Tổng Giám đốc VPG |
Nối tiếp thành công đó, tại thời điểm Lào đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 450 năm ngày Lào di dời thủ đô từ Luang Prabang xuống Vientiane, lãnh đạo Thủ đô Vientiane đã đề nghị VPG hỗ trợ để triển khai Dự án xây dựng Trụ sở chính quyền Thủ đô Vientiane với thời hạn 18 tháng. Xác định đây là dự án trọng điểm ghi dấu một sự kiện trọng đại của nước bạn, VPG đã hết mình hỗ trợ Thủ đô cả về mặt tài chính và các nguồn lực cần thiết khác để triển khai, hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 450 năm ngày thành lập Thủ đô Vientiane.
Một điểm không thể không nhắc tới trong hành trình của VPG trên đất nước Triệu Voi là các dự án phát triển, khai thác, chế biến bauxit, chì - kẽm ở trung tâm khu vực tam giác phát triển kinh tế ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Được sự đồng ý của Chính phủ Lào, VPG đã bắt tay phát triển hai dự án, bao gồm Dự án khai thác và chế biến bauxit tại tỉnh Sekong và Dự án khai thác chì - kẽm tại tỉnh Attapeu. Tuy nhiên, năm 2009, theo đề nghị của Chính phủ Lào, VPG đã trả lại Dự án khai thác và chế biến chì - kẽm để nước bạn dùng thanh toán nợ cho Liên bang Nga, mặc dù tại thời điểm đó trữ lượng hình thành mỏ chì - kẽm đang được dự báo tích cực về tính khả thi. Đây là việc làm chưa có tiền lệ trong quan hệ hợp tác quốc tế, nhưng qua đó cũng thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia, luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau, tương thân tương ái trong mọi hoàn cảnh. Kể từ đó, VPG chỉ tập trung nghiên cứu, phát triển Dự án khai thác và chế biến bauxit tại huyện Dakchung, tỉnh Sekong.
Năng lực doanh nghiệp, sự đầu tư bài bản và trên hết là mục tiêu phát triển quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia đồng hành với mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp và ban lãnh đạo VPG là tiền đề để Việt Phương tô đậm dấu ấn đặc biệt quan trọng trong quá trình đầu tư tại Lào của mình. Sau 10 năm tiến hành khảo sát, thăm dò, ngày 11/9/2018, Chính phủ Lào và Tập đoàn Việt Phương đã ký Hợp đồng khai thác, chế biến bauxit, sản xuất alumin. Đây là dự án khai khoáng rất lớn với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD, sử dụng công nghệ cao và là nguồn để phát triển những ngành công nghiệp sau nhôm. Dự án này giúp Lào không chỉ phát triển ngành công nghiệp mới trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, mà còn triển khai chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn.
Ý thức được tầm quan trọng của dự án, vượt lên những trở ngại, thách thức của đại dịch Covid-19, tháng 5/2022, Ban lãnh đạo VPG đã sát sao chỉ đạo tập trung tối đa nguồn nhân lực chuyên môn cao để triển khai bước đầu của dự án, đó là Văn phòng Điều hành tổ hợp Dự án Bauxit-Alumin Dakchung. Đến ngày 30/6/2022, một số hạng mục quan trọng đã được hoàn thành như: Thuê công ty tư vấn AECOM lập thiết kế nhà máy sản xuất alumin công suất 1.000.000 tấn alumin/năm và điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS); thực hiện nghiên cứu tại hiện trường (đo vẽ địa hình, khoan khảo sát địa chất công trình, thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn, tài liệu động đất, …); phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) lập phương án, thi công lấy mẫu, gia công mẫu để gửi AECOM nghiên cứu công nghệ sản xuất alumin. Ngoài ra, Việt Phương đang khẩn trương tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn giai đoạn 1 của dự án, cũng như hoàn thành thiết kế Khu liên hợp Thể thao xây tặng huyện Dakchung.
Một góc dự án bauxit-alumin Dakchung
Với những nỗ lực không ngừng của mình, VPG tin tưởng giai đoạn 1 Khu liên hợp Văn phòng Điều hành, Khu liên hợp Thể thao sẽ được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Lào, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Hiện nay, VPG cũng đang tập trung nguồn lực để có thể khởi công xây dựng nhà máy vào cuối quý IV năm 2022.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp như hiện nay thì vai trò của các doanh nghiệp trong việc nâng tầm hợp tác kinh tế thành một trụ cột trong quan hệ hai nước là rất quan trọng. Dựa trên kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư tại Lào, đại diện VPG bày tỏ kỳ vọng rằng trong thời gian tới, hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào sẽ thực sự bứt phá và được nâng lên tầm cao mới nếu Chính phủ nước bạn Lào hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh mức thuế cũng như áp dụng các chính sách khuyến khích đối với các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thủy điện và khai khoáng. Sự quan tâm của Chính phủ Lào với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và thúc đẩy hoạt động đầu tư sẽ là nguồn động viên tích cực để các doanh nghiệp Việt Nam như Việt Phương tiếp tục song hành cùng sự phát triển của đất nước Triệu Voi, cũng như góp phần củng cố và vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Bảo Ngọc (Vietnam Business Forum)