08:27:29 | 1/12/2022
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch chuyên trách Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD, cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực nghiên cứu và sử dụng Bộ chỉ số CSI như một công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững, giúp doanh nghiệp có thể tự đánh giá “sức khỏe” trên các khía cạnh kinh tế - xã hội – môi trường.
Sau 6 năm triển khai Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI), ông đánh giá như thế nào về tác động của chương trình và Bộ chỉ số CSI đối với quản trị doanh nghiệp bền vững? Bước sang năm thứ 7, Chương trình có điểm gì mới?
Sau 06 năm triển khai Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy việc ứng dụng Bộ Chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận các doanh nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi trong lĩnh vực quản trị nhằm hướng tới mô hình kinh doanh minh bạch, có trách nhiệm với môi trường và phát triển cộng đồng. Điều này cũng tác động tích cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia Chương trình và ứng dụng Bộ Chỉ số có năng suất lao động và trung bình hiệu suất sử dụng lao động cao hơn đáng kể, thu nhập trung bình của người lao động cũng cao hơn, đóng góp cho xã hội lớn hơn so với các doanh nghiệp chưa quan tâm đến Bộ Chỉ số. Các doanh nghiệp ứng dụng Bộ Chỉ số CSI cũng cho thấy năng lực cạnh tranh tốt hơn, đặc biệt trong khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm được đầu tư hơn và nguồn cung ứng bền vững được đảm bảo.
Việc được bình chọn trong danh sách “Doanh nghiệp bền vững” giúp mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội nâng cao uy tín, thương hiệu, thu hút nguồn nhân lực, cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư và cổ đông. Do đó phần lớn các DN đã tham gia Chương trình bày tỏ mong muốn tiếp tục đồng hành và gắn bó với Chương trình trong những năm tiếp theo.
Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp VCCI chủ trì triển khai Chương trình với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Từ hơn 600 hồ sơ doanh nghiệp tham gia, Ban tổ chức đã lựa chọn 148 hồ sơ để chấm chung khảo, từ đó xác định 99 gương mặt doanh nghiệp tiêu biểu nhất để biểu dương trong Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam ngày 1/12.
Chương trình CSI 2022 cũng ghi nhận tỷ lệ gần 25% doanh nghiệp mới tham gia lần đầu tiên, cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến Chương trình nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Một điểm mới nữa là năm nay BTC quy định chỉ tiếp nhận hồ sơ theo hình thức nộp trực tuyến trên phần mềm, giúp doanh nghiệp quản lý hồ sơ dễ dàng hơn, cũng như hỗ trợ công tác chấm điểm của Hội đồng xét duyệt thuận lợi hơn trước rất nhiều. Ngoài biểu dương hạng mục chính Doanh nghiệp bền vững, Chương trình cũng tìm ra các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện tốt trong ba hạng mục chuyên đề: Thúc đẩy quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc làm; Tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em trong kinh doanh; Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.
Bộ chỉ số CSI đã được nâng cấp như thế nào để phù hợp hơn với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thưa ông?
Hàng năm, Bộ Chỉ số đều được cập nhật, nâng cấp ngày càng hoàn thiện, trở nên thân thiện và gần gũi hơn với các tiêu chí chi tiết và cụ thể, phù hợp với quy định pháp luật trong nước và các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế. Trong 130 chỉ số của CSI 2022, có tới 68% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững chiếm 32%. Điều này cho thấy chỉ cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, doanh nghiệp đã có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nói chung, và dễ dàng được đánh giá cao trong Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững nói riêng.
Cần nhấn mạnh rằng dù là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tuân thủ pháp luật cũng là yêu cầu cơ bản mà doanh nghiệp phải thực hiện. Do đó, việc áp dụng Bộ chỉ số CSI không hề xa tầm với của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp áp dụng CSI cho biết Bộ chỉ số có thể hỗ trợ hiệu quả công tác lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh; rà soát các lỗ hổng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn và nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh mới.
Đặc biệt, các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị theo khung ESG đã được VBCSD tập trung hơn trong năm nay. Thể hiện là Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững năm nay đã đưa ESG vào nội dung thảo luận của hội thảo chuyên đề về chủ đề quản trị doanh nghiệp bền vững, cũng như trong chương trình của Phiên toàn thể Diễn đàn ngày 1/12. ESG cũng được tích hợp vào Bộ chỉ số CSI phiên bản mới của 2022.
Ông có nhắc đến việc tích hợp ESG vào bộ chỉ số CSI. Xin ông chia sẻ thêm về tiêu chuẩn này và lợi ích cho doanh nghiệp khi áp dụng ESG?
Với việc tích hợp ESG vào phiên bản mới năm 2022 của Bộ Chỉ số CSI, các doanh nghiệp từ đây sẽ có được hướng tiếp cận trực quan hơn đối với công tác quản trị của mình thông qua 03 khía cạnh:
Thứ nhất, đó là mối quan hệ tương tác của doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên - nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên của doanh nghiệp. Điều đó thể hiện thông qua các hoạt động của doanh nghiệp nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải cacbon cũng như ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Thứ hai, đó là ảnh hưởng của doanh nghiệp đến xã hội và cộng đồng thông qua các chương trình bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động, cải thiện điều kiện lao động, thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình để thúc đẩy bình đẳng giới, đa dạng, hòa nhập, thúc đẩy quyền con người, quyền trẻ em trong kinh doanh, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của các khách hàng, đối tác, hay tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế thông qua các mô hình kinh doanh bao trùm.
Và cuối cùng đó là những nguyên tắc cần được áp dụng khi xây dựng bộ máy quản trị tại mỗi doanh nghiệp, trong đó bao gồm cơ chế quản trị, báo cáo minh bạch, kinh doanh có đạo đức, gia tăng quyền làm chủ của các cổ đông và người lao động và cơ chế độc lập của hội đồng quản trị.
Tại Việt Nam, ESG đang trở thành một yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp và tạo điều kiện đưa doanh nghiệp ra thế giới. Nghiên cứu mới đây của PwC đã khảo sát 325 nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các nhà đầu tư đều thể hiện sự cam kết với các mục tiêu ESG và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ đầu tư. Cụ thể hơn, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao đã được chứng minh là có rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng.
Theo tôi, một chiến lược phát triển tích hợp với những giải pháp tiên phong về ESG có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cơ hội hợp tác tiềm năng, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy phát triển bển vững
Các doanh nghiệp cần phải làm gì để tích hợp một cách hiệu quả các tiêu chí ESG vào việc phát triển kinh doanh của mình?
Tôi cho rằng với bối cảnh hiện tại, để đáp ứng các quy định công bố thông tin ESG, doanh nghiệp cần thực hiện một số bước cơ bản: Thứ nhất, để xây dựng chiến lược ESG hiệu quả, các doanh nghiệp không nên chỉ tuân theo khuôn khổ để đạt được "điểm số" cao, mà cần thực sự hiểu giá trị của ESG và tích hợp ESG trong việc đưa ra quyết định. Đặc biệt, để xây dựng vị thế dẫn đầu trong việc chuyển đổi ESG, lãnh đạo và chủ doanh nghiệp cần thường xuyên xem xét và đưa ESG vào các hoạt động cốt lõi.
Thứ hai, chuyển đổi ESG cần được diễn ra một cách đồng bộ và hệ thống. Với các doanh nghiệp tại Việt Nam, khi thực hành ESG, nhiều yếu tố trong quy trình ban đầu có thể sẽ không còn phù hợp, gây ra nhiều bất cập trong công tác vận hành, ảnh hưởng tiêu cực tới thời gian và kinh phí. Trong khi đó, mỗi yếu tố E-S-G đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và sẽ tạo động lực cho nhau. Vì vậy, các sáng kiến cần đảm bảo sự đồng bộ và hệ thống để tối ưu chi phí và thời gian, thúc đẩy việc phát triển chiến lược chung.
Thứ ba, chiến lược chuyển đổi ESG cần những hoạt động xuyên suốt, từ việc định hình tầm nhìn và mục tiêu tới những bước cải tiến và mở rộng quy mô. Việc chuyển đổi ESG ở các doanh nghiệp nói chung, hay những doanh nghiệp tư nhân nói riêng, không thể thực hiện ngắn hạn, mà cần trải qua một quá trình lặp đi lặp lại, bắt đầu từ các dự án thử nghiệm, sau đó là cải tiến liên tục và mở rộng quy mô.
Tôi khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp tích cực nghiên cứu Bộ chỉ số CSI, sử dụng CSI như một công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững, giúp doanh nghiệp có thể tự đánh giá “sức khỏe” của mình trên các khía cạnh kinh tế - xã hội – môi trường. Điều này cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hành khung đánh giá ESG. Trong thời gian tới đây, VBCSD cũng sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp về ESG, áp dụng Bộ chỉ số CSI, lập báo cáo bền vững để đồng hành cùng doanh nghiệp hiệu quả hơn, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư bền vững vào doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bà Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) Là thành viên Hội đồng xét duyệt Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2022, chúng tôi rất mừng là hầu hết các doanh nghiệp đều chuẩn bị hồ sơ rất tốt. Một số doanh nghiệp thậm chí còn chuẩn bị báo cáo chi tiết cho từng tiêu chí kèm theo tài liệu bằng chứng hết sức thuyết phục. Một vài trong số đó còn cung cấp cả báo cáo phát triển bền vững tích hợp. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng vì nó cho thấy các doanh nghiệp hiện nay đã có nhận thức rất cao, không chỉ về bình đẳng giới mà còn các tiêu chí phát triển bền vững khác. Có được thành tích này, phải kể đến đóng góp vô cùng to lớn của Chương trình CSI nói riêng và VBCSD nói chung. Chúng ta không thể cải thiện những thứ mà chúng ta không thể đo lường. Và Chương trình CSI giống như một “chiếc thước” giúp chúng ta nhìn thấy được những điều doanh nghiệp còn thiếu và cần cải thiện trên bước đường đến với sự phát triển bền vững. Trải qua 7 năm triển khai, CSI đã giúp mang bộ chỉ số phát triển bền vững đến gần hơn với doanh nghiệp cũng như người lao động. Bức tranh phát triển bền vững đã rõ ràng hơn rất nhiều qua các chỉ số của Chương trình CSI. Việc thực hành/thực hiện tốt những tiêu chí trong bộ chỉ số CSI không phải chỉ để “đi thi/xét giải” mà nó thực sự hữu ích đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Ông Montri Suwanposri - Tổng giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) Để là một cộng đồng kinh doanh bền vững, mỗi một doanh nghiệp phải bền vững trong chính mình từ nguồn nguyên phụ liệu đến hoạt động sản xuất chế biến để ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng nhưng không gây tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Gần 30 năm hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trên các lĩnh vực công – nông – nghiệp thực phẩm. C.P. Việt Nam (gọi là CPV) đã và đang tập trung thực hiện những chiến lược phát triển bền vững dựa trên 3 giá trị cốt lõi “Cho đất nước, cho người dân, cho công ty” tập trung về xã hội, môi trường và kinh tế nhằm hướng đến là một doanh nghiệp phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam Về xã hội, CPV đưa ra mục tiêu hỗ trợ cộng đồng trong việc tạo sự tiếp cận nguồn thực phẩm dinh dưỡng và an toàn đến tay người tiêu dùng và nhóm yếu thế. Về môi trường, CPV đã có những mục tiêu về môi trường hướng đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi chú trọng nguồn cung ứng nguyên vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, không vi phạm pháp luật, không khai thác từ nguồn phá rừng. Đầu tư công nghệ trong sản xuất, nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân. Những kết quả đạt được của doanh nghiệp hôm nay là được sự hỗ trợ cũng như từ các chính sách hợp lý của Chính Phủ. Chúng tôi hy vọng sẽ được đồng hành cùng đất nước Việt Nam theo hướng bền vững trong hiện tại và tương lai.
Bà Verena Siow, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối thụ động đối với những vấn đề liên quan tới phát triển bền vững. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi phát triển bền vững như một thứ gì đó xa xỉ, không thực sự cấp bách. Nếu thị trường, nhà đầu tư hoặc các cơ quan chức năng yêu cầu thì mới quan tâm, tìm hiểu và triển khai. Trên thực tế, phát triển bền vững sẽ ngày càng có yếu tố quyết định đối với sự thành công của doanh nghiệp. Điều này không chỉ tốt cho môi trường mà còn giúp gia tăng doanh thu vì khách hàng sẽ có xu hướng mua hàng từ các doanh nghiệp hoạt động bền vững, đặc biệt đối với các thương hiệu hàng tiêu dùng. Ngoài ra, phát triển bền vững còn giúp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, giúp doanhh nghiệp xây dựng những mô hình kinh doanh mới. Không chỉ còn để làm đẹp báo cáo hay tuân thủ các quy định của nhà nước, các doanh nghiệp cần phải tìm thêm những cách thức phát triển bền vững và vượt trội hơn. Điều này cần sự kết hợp giữa công nghệ và dữ liệu để tạo nên đòn bẩy mang tính đột phá.
Bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại, British American Tobacco (BAT) khu vực Đông Á Các mục tiêu của BAT Việt Nam về phát triển bền vững luôn song hành và hài hòa với các mục tiêu chung của Chính phủ, để cùng với cộng đồng doanh nghiệp đóng góp cho Chương trình Nghị sự Quốc gia về Phát triển Bền vững 2030 theo 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc. BAT cũng cam kết thực thi các ưu tiên trong 3 lĩnh vực: Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Trong lĩnh vực Môi trường, BAT Việt Nam luôn nỗ lực giảm thiểu tác động đến khí hậu trong toàn bộ chuỗi giá trị của chúng tôi. Chúng tôi cũng áp dụng các nguyên tắc Kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế không rác thải để tạo ra các hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời mang đến cho nhân viên cơ hội để thay đổi và giảm tác động đến môi trường. Trong lĩnh vực Xã hội, BAT Việt Nam cam kết nâng cao sinh kế cho tất cả nông dân trong chuỗi cung ứng của chúng tôi thông cao việc nâng cao thu nhập và hiệu suất cây trồng hàng năm. BAT Việt Nam cũng nghiêm túc tuân theo các quy định về Quyền con người và đảm bảo giám sát chặt chẽ trong chuỗi cung ứng của chúng tôi hằng năm. Trong lĩnh vực Quản trị, BAT Việt Nam cam kết duy trì văn hóa liêm chính, tuân thủ đầy đủ theo chuẩn mực đạo đức kinh doanh của Tập đoàn. Chúng tôi cũng tuân thủ các nguyên tắc tiếp thị quốc tế của Tập đoàn, tiếp thị một cách có trách nhiệm. Khi triển khai thực thi các mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều chi phí và nguồn lực hơn để bảo vệ môi trường và mang đến một ngày mai tốt đẹp hơn cho các bên liên quan và cho đất nước nói chung. Vì vậy, thông qua điều tiết chính sách thuế và chính sách ưu đãi, Chính phủ nên thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của mình trong việc phát triển một nền kinh tế xanh, một nền kinh tế tuần hoàn và triển khai cam kết này đến từng doanh nghiệp. |
Nguồn: Vietnam Business Forum