Mở rộng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

10:04:21 | 8/12/2022

Hoạt động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Sơn La thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ông Bùi Văn Mẫn, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Sơn La đã chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum xung quanh nội dung này.


Một góc Khu công nghiệp Mai Sơn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020, gồm KCN Mai Sơn và KCN Vân Hồ. Công tác thực hiện quy hoạch phát triển và thu hút đầu tư tại 2 KCN này đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

KCN Mai Sơn (giai đoạn I) có quy mô 63,7ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 47,96ha. Ban quản lý các KCN đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng diện tích 34,7ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 72,3%). Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.001 tỷ đồng; vốn đầu tư bình quân trên 01ha đất công nghiệp đạt 28,87 tỷ đồng, có 05 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Lũy kế đến ngày  30/6/2022, tổng doanh thu các doanh nghiệp đã hoạt động SXKD đạt 1.948 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 49,73 triệu USD, nộp ngân sách đạt 19,5 tỷ đồng; tạo việc làm cho 231 lao động (chủ yếu là lao động tại địa phương).

Ngoài ra, hiện có nhiều nhà đầu tư (NĐT) có nhu cầu khảo sát, đăng ký đầu tư, nộp đề xuất dự án đầu tư vào KCN Mai Sơn (diện tích còn lại của giai đoạn I và giai đoạn II). Các nhà máy đã hoạt động, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư vào KCN Mai Sơn hầu hết thuộc lĩnh vực chế biến nông, lâm sản theo đúng định hướng thu hút đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, Ban quản lý đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Mai Sơn (giai đoạn II). Hiện Ban đang tổ chức lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 2422/BC-BKHĐT ngày 13/4/2022, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai trong giai đoạn đến năm 2025. Nội dung chính của Báo cáo bao gồm: Đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN giai đoạn II theo quy hoạch được duyệt với quy mô 86,3ha; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu nhà ở công nhân nằm liền kề KCN và một số hạng mục kết nối ngoài hàng rào.

Đối với KCN Vân Hồ, Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Vân Hồ (sau đây gọi tắt là Đồ án) được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nhiệm vụ lập Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2071/QĐ-UBND ngày 27/8/2021. Trong đó, ngày 04/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung quy hoạch KCN Vân Hồ, tỉnh Sơn La vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020 tại Công văn số 3/TTg-CN với quy mô quy hoạch là 216,64 ha; phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 296/QĐ-TTg ngày 02/3/2022.

Đồ án quy hoạch đã được Bộ Xây dựng tham gia ý kiến tại Công văn số 1086/BXD-QHKT ngày 01/4/2022. Hội đồng thẩm định cấp tỉnh họp ngày 07/4/2022 nhất trí thông qua Đồ án quy hoạch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí nội dung Đồ án quy hoạch tại Công văn số 1738-CV/TU ngày 18/4/2022. HĐND tỉnh thông qua Đồ án tại Nghị quyết số 83/NQ-HĐND ngày 10/5/2022. UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 29/6/2022.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổ công tác chỉ đạo phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý đã hỗ trợ NĐT tiềm năng về trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng. NĐT tiềm năng đang tổ chức lập, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự kiến trình cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận NĐT theo quy định của pháp luật về đầu tư, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.

Ban quản lý KCN đã có những hoạt động gì nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và NĐT hoạt động trong các KCN trong thời gian qua?

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN, là đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư, xây dựng đối với các NĐT vào KCN, Ban Quản lý các KCN đã không ngừng nỗ lực thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng hành cùng NĐT để KCN trên địa bàn tỉnh thực sự là điểm đến hấp dẫn của các NĐT trong và ngoài nước.

Nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Ban Quản lý đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch TTHC, kết quả giải quyết TTHC theo quy định. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đã công bố đều được niêm yết, công khai tại bộ phận một cửa và đăng tải trên trang thông tin điện tử, trang hành chính công của tỉnh. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC. Chủ động rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian và nâng cao chất lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Duy trì tổ chức hoạt động gặp mặt, đối thoại với các NĐT, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ NĐT trong quá trình triển khai dự án và hoạt động SXKD.

Soạn thảo, biên tập, hoàn thiện và phát hành cuốn “Sổ tay hướng dẫn quy trình thực hiện đầu tư trong các KCN” giúp cho các NĐT, tổ chức, doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về trình tự đầu tư; dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các thủ tục thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ NĐT, doanh nghiệp thực hiện  TTHC và các vấn đề liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Ban quản lý thành lập Tổ tư vấn Hướng dẫn các NĐT vào KCN; thành lập Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của UBND tỉnh; ban hành công văn hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý hoạt động xây dựng trong KCN Mai Sơn.

Theo ông, thời gian tới tỉnh Sơn La cần tập trung hơn vào những lĩnh vực gì? Và Ban quản lý đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển các KCN?

Tỉnh Sơn La cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN đảm bảo đồng bộ, hiện đại, tập trung thu hút đầu tư vào KCN các ngành nghề phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; bảo quản, chế biến rau, củ quả; sản xuất phân hữu cơ vi sinh,…

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính để tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư nhằm mời gọi các NĐT trong và ngoài nước.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh theo định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian tới Ban quản lý tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào KCN; chủ động phối hợp tốt với các sở, ban, ngành trong thực hiện công tác xúc tiến đầu tư; coi trọng chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư; bám sát tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư và SXKD của doanh nghiệp.

Hai là, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án KCN Mai Sơn giai đoạn II để triển khai.

Ba là, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu KCN Mai Sơn; KCN Vân Hồ để đáp ứng nhu cầu của các NĐT.

Bốn là, đề xuất các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ Quỹ phát triển đất, cần quan tâm thu hút nguồn vốn từ các NĐT theo hướng: NĐT ứng trước vốn giải phóng mặt bằng sau đó giảm trừ vào tiền thuê đất, thuê hạ tầng hàng năm; khuyến khích đầu tư và kinh doanh các công trình hạ tầng cấp điện, cấp nước sạch, xử lý môi trường, san nền,...

Năm là, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính (trọng tâm là cải cách TTHC) theo hướng đơn giản, hiệu quả, thiết thực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết, công khai các TTHC; tiếp tục đề xuất và thực hiện tốt việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý để triển khai các TTHC đầy đủ theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”.

Sáu là, tăng cường quản lý nhà nước tại các KCN, trọng tâm là quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Bình (Vietnam Business Forum)