03:27:53 | 31/5/2023
Là tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tây Ninh đã chuyển tải kịp thời nguồn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Ông Hồ Văn Khanh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Tây Ninh |
Phát huy hiệu quả xóa đói giảm nghèo
Đến nay, mô hình quản lý và hoạt động của NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương: Trung ương, tỉnh, huyện/thị xã/thành phố; cán bộ NHCSXH chuyên trách làm nhiệm vụ tác nghiệp; NHCSXH ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); ủy nhiệm một số nội dung công việc cho Tổ tiết kiệm và vay vốn. Với phương châm "Thu nợ tại nhà, giải ngân tại xã", hàng tháng NHCSXH tỉnh đều tổ chức phiên giao dịch định kỳ theo lịch cố định tại các xã, phường, thị trấn với nghiệp vụ thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, giải ngân,… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí và thời gian đi lại cho người dân. Bộ máy điều hành, tác nghiệp tinh gọn, tinh thần trách nhiệm cao, luôn tận tụy, trách nhiệm với phương châm"Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".
Nếu như thời điểm mới thành lập, NHCSXH tỉnh Tây Ninh chỉ nhận bàn giao 3 chương trình tín dụng với dư nợ 98 tỷ đồng thì sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, Chi nhánh đã triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt 3.517 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư đã vươn khắp 94/94 xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khu phố; giúp gần 480.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn và hơn 47.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Ngoài ra tín dụng chính sách còn thu hút, tạo việc làm cho gần 82.000 lao động; hơn 57.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 355.000 công trình nước sạch và vệ sinh; 1.245 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 43.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống; hỗ trợ xây dựng 187 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Có thể khẳng định, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp, góp phần thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng. Thông qua chính sách tín dụng ưu đãi còn góp phần giảm số xã thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ 20 xã cuối năm 2015 xuống còn 0 xã ở thời điểm hiện tại; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,08% vào đầu năm 2016 xuống còn 0,32% vào cuối năm 2022; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 2,09% vào đầu năm 2016 xuống còn 0,77% vào cuối năm 2022 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh.
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Tây Ninh họp phiên định kỳ quý IV/2022
Đưa nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng
Ông Hồ Văn Khanh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Tây Ninh cho biết: Để tiếp tục đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống NHCSXH tại địa phương, thời gian tới NHCSXH tỉnh Tây Ninh sẽ tích cực tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh thực hiện phiên giao dịch định kỳ
Song song với đó, Chi nhánh tập trung huy động các nguồn lực để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, triển khai các hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương tuyên truyền, đào tạo tập huấn, tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; kiểm tra, giám sát việc chuyển tải vốn vay đảm bảo đến tay người thụ hưởng, thực hiện tốt công tác xử lý nợ và tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng tín dụng.
Theo ông Hồ Văn Khanh, hiện nay nhu cầu vay vốn của người lao động đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn cho vay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế của người lao động. NHCSXH tỉnh Tây Ninh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đối với hoạt động của NHCSXH theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm đề nghị UBND tỉnh, huyện ưu tiên dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để đáp ứng nhu cầu cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Công Luận (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI