Xây dựng cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm

10:28:25 | 25/4/2024

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của gần 500 đại biểu, với sự hiện diện của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone - Chủ tịch ASEAN 2024; Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; các bộ trưởng, đại sứ, đại diện Chính phủ các nước ASEAN, các nước đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế…

Diễn đàn dành riêng cho ASEAN, của ASEAN và vì ASEAN

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, điểm khác biệt lớn nhất của "Diễn đàn Tương lai ASEAN" so với các diễn đàn khác, đây là diễn đàn dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân của ASEAN. Diễn đàn được kỳ vọng tạo khuôn khổ để các bên liên quan của khu vực và ngoài khu vực cùng đến tham gia cung cấp các ý tưởng, sáng kiến cho quá trình xây dựng tầm nhìn ASEAN đến năm 2045 và thực hiện tầm nhìn trong thời gian tới; đại diện cho tiếng nói và đóng góp của khu vực vào nỗ lực định hướng phát triển tương lai của thế giới thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc, dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới.

Đây cũng là đóng góp cụ thể của Việt Nam trong nỗ lực chung nhằm hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của ASEAN.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay và cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt. Vai trò trung tâm của ASEAN được thừa nhận rộng rãi, nhưng có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. ASEAN là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới, nhưng chênh lệch trình độ phát triển còn đáng kể, mức độ hợp tác, liên kết nội khối còn chưa thật sự bền chặt. Những thực tế đó đòi hỏi ASEAN càng cần phải có tầm nhìn chiến lược, toàn diện, nâng cao sự chủ động và khả năng thích ứng để nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức, phát triển ổn định, bền vững.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, gần 3 thập kỷ tham gia ASEAN, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng, luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Con đường phát triển của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập luôn gắn liền với ASEAN và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong mối quan hệ chặt chẽ này.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức vì là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi với quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế trước các cú sốc từ bên ngoài. Đây cũng là những thách thức chung mà nhiều quốc gia ASEAN phải đối mặt trên hành trình phát triển; đòi hỏi sự đoàn kết, tin tưởng, chung sức, đồng lòng của tất cả các nước thành viên cùng sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác, bạn bè quốc tế.

ASEAN đang hướng đến các mục tiêu đến năm 2045 với khát vọng về một Cộng đồng phát triển năng động, gắn kết và tự cường. Để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện 5 tăng cường như sau:

Thứ nhất, tăng cường đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN. Phát huy vai trò trung tâm ASEAN; đồng thời tôn trọng sự khác biệt, bảo đảm hài hòa lợi ích; kiên định lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề an ninh - phát triển của khu vực và thế giới.

Thứ hai, tăng cường tin cậy chiến lược trong ASEAN và trong quan hệ với các đối tác; góp phần ngăn ngừa xung đột, duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.

Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, bền vững cho ASEAN trong thời gian tới, cùng với việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Thứ tư, tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thứ năm, tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hợp tác công tư; tạo đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, hạ tầng và quản trị quốc gia, giúp ASEAN phát triển nhanh và bền vững.

ASEAN đại diện cho tiếng nói mạnh mẽ của hòa bình

Theo Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng khi tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN. Việc tổ chức Diễn đàn tập trung vào tương lai của ASEAN rất phù hợp với những gì mà ASEAN đang theo đuổi trong việc xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và bốn phiên bản chiến lược của tầm nhìn.

Kế hoạch này được bắt đầu trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, nơi các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh, ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xác định lại những diễn biến toàn cầu, tiến trình toàn cầu. Nghĩa là, ASEAN không chỉ hướng nội mà phải hướng ngoại. Tuy nhiên, ASEAN cần tiếp tục củng cố nội khối trong khi hướng ra bên ngoài.

Ông Kao Kim Hourn cho rằng, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể đóng vai trò tiên phong ở ba cấp độ. Một là, góp phần xây dựng ASEAN, hội nhập và Cộng đồng ASEAN. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm bảo đảm thúc đẩy ASEAN thông qua tăng cường thương mại nội khối, du lịch nội khối và kết nối nội khối, được đặt trong một tổng thể thúc đẩy bên trong ASEAN.

Hai là, cần thúc đẩy một bản sắc ASEAN, bảo đảm sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng để trở thành “xương sống” cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Ba là, tiếp tục chính sách hợp tác của ASEAN với các đối tác bên ngoài, củng cố và phát huy những thành tựu đã đạt được, tăng cường các cơ chế hiện tại, xác định những lĩnh vực có thể tận dụng và xem xét thành lập một số cơ chế mới trong tương lai.

Theo Tổng thư ký, ASEAN luôn là một phần của các giải pháp trong nhiều năm qua. ASEAN là tiếng nói đại diện cho hòa bình, là tiếng nói đại diện cho hợp tác chứ không phải xung đột, là tiếng nói ủng hộ, gắn kết chứ không phải thỏa hiệp. Và Diễn đàn lần này sẽ đóng vai trò như một cơ chế của ASEAN để hoan nghênh tất cả các ý tưởng và khuyến nghị chính sách mới.

Phát biểu qua thông điệp video gửi tới Diễn đàn, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá, các nước ASEAN đã xây dựng những nền kinh tế năng động, kiên cường và đầy đa dạng trong gần 6 thập kỷ qua.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận định, ASEAN đại diện cho tiếng nói mạnh mẽ của hòa bình, đối thoại thẳng thắn, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí trên toàn cầu. Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ giúp khu vực phát triển bền vững và xác định mục tiêu cho quãng đường phía trước. Đề cập đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9 tới, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, đây sẽ là cơ hội để thế giới đoàn kết và chia sẻ giải pháp nhằm hình thành tương lai tốt đẹp và thịnh vượng hơn.

“Các nước ASEAN có vai trò then chốt trong bối cảnh đó và chúng tôi mong đợi nâng cao quan hệ đối tác với ASEAN lên tầm cao mới", Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ kỳ vọng.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)