09:09:14 | 21/6/2024
Báo chí là sản phẩm đặc thù. Trong thời điểm cạnh tranh thông tin và nguồn thu khắc nghiệt như hiện nay, báo chí càng phải trở thành hàng hoá chất lượng và hấp dẫn độc giả, doanh nghiệp.
Chi phí dành cho quảng cáo, truyền thông của các doanh nghiệp tuy có tăng lên nhưng đang dịch chuyển mạnh mẽ từ các nền tảng truyền thống sang các nền tảng kỹ thuật số (digital) khiến các cơ quan báo chí trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Khó có thể lạc quan rằng nguồn thu từ quảng cáo cho các cơ quan báo chí có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chuyển đổi mô hình
Với cách thức quảng cáo mới gần như bị chi phối bởi các tập đoàn công nghệ, các cơ quan báo chí truyền thông lớn trên toàn cầu đã phải nhanh chóng chuyển đổi, thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh mới bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu quảng cáo. Các báo cáo gần đây đã nêu ra khoảng 15 mô hình kinh doanh khác nhau được các cơ quan báo chí triển khai để gia tăng nguồn thu phát triển kinh tế báo chí. Bên cạnh đó, các tập đoàn báo chí lớn vẫn không ngừng kiếm tìm doanh thu từ độc giả - nguồn thu ngày càng trở nên quan trọng, an toàn và có cơ hội tạo giá trị gia tăng.
Doanh thu từ độc giả có nhiều cách thức khác nhau. Ngoài thu phí nội dung, không ít cơ quan báo chí ở nước ngoài đã thành lập mô hình thành viên (membership) cho phép độc giả được hưởng nhiều lợi ích của tờ báo như được xem trước các nội dung, ấn phẩm đặc biệt, tham gia các sự kiện. Có tờ báo tổ chức các hoạt động offline lựa chọn thành viên trung thành để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường tương tác… Từ những mô hình gắn kết như vậy, các cơ quan báo chí phối hợp với một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại với giá thành ưu đãi cho các thành viên.
Tại Việt Nam, một số mô hình kinh doanh mới đã được các cơ quan báo chí áp dụng như tổ chức các sự kiện, diễn đàn. Biết thế mạnh của mình để khai thác thị trường ngách, qua các sự kiện, diễn đàn tổ chức thành công và hiệu quả, các cơ quan báo chí có thể thu hút thêm nhiều đối tác. Mô hình này đã trở thành trụ cột có thể mang lại khoảng 20% doanh thu cho những đơn vị thuộc thị trường ngách có nhiều ưu thế.
Tăng sức hấp dẫn bằng chất lượng truyền thông
Ngoài các mô hình kinh doanh mới có thể tham khảo từ những tập đoàn báo chí lớn trên thế giới, nguồn thu của các cơ quan báo chí tại Việt Nam có thể đến từ nhiều kênh khác nhau. Đó là tham gia truyền thông chính sách; khai thác quảng cáo dù “miếng bánh” ngày càng “bé lại” hay tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn như tổ chức sản xuất các tập san riêng có ý nghĩa quan trọng với thị trường (tập trung chuyên sâu về bất động sản, khu công nghiệp, số báo đặc biệt về các ngày truyền thống chẳng hạn)… Tuy nhiên, dù khai thác nguồn thu theo các kênh nào đòi hỏi nỗ lực của mỗi cơ quan báo chí và những người làm báo mà ở đó, chất lượng sản phẩm báo chí, chất lượng truyền thông mang tính quyết định. Báo chí tuy là sản phẩm đặc thù nhưng trong thời điểm cạnh tranh thông tin và nguồn thu khắc nghiệt như hiện nay, báo chí cũng phải là hàng hoá đủ hấp dẫn bạn đọc, doanh nghiệp để hoạt động trên thị trường công bằng như những loại hàng hoá khác. Sản phẩm báo chí phải đảm bảo hiệu quả truyền thông cao với cách khai thác, cách viết thu hút, lôi cuốn để đối tác, doanh nghiệp đầu tư chứ không thể áp dụng cơ chế xin - cho.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh kinh tế báo chí ngày càng khó khăn do nhiều lý do khách quan, còn có yếu tố chủ quan. Không ít cơ quan báo chí hiện vẫn trông vào nguồn thu quảng cáo và cứ nhìn nguồn thu này dần dần suy giảm. Chỉ loay hoay với quảng cáo mà không đa dạng hoá nguồn thu, chắc chắn gặp khó khăn. Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng tối thiểu từ 3 - 4 mô hình kinh doanh mới đảm bảo nguồn thu và thành công.
Bên cạnh đó, tuy có tham khảo các mô hình kinh doanh của thế giới nhưng không thử nghiệm bởi tâm lý lo sợ thất bại cùng nhiều câu hỏi khác đặt ra. Chẳng hạn, liệu mình dựng tường thu phí, người đọc có chạy hết sang báo khác không? Hay mình có quá bé nhỏ, không đủ sức thương lượng khi phối hợp với các nền tảng?... Với mô hình tổ chức sự kiện, đã có một số đơn vị thực hiện thành công nhưng còn không ít cơ quan báo chí khác có thể cho rằng mình không có lợi thế gì để bắt tay thực hiện.
Thực tế trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy, báo chí không nên bỏ qua các nguồn lực xã hội để tìm kiếm nguồn thu chính đáng, lành mạnh. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nỗ lực tự thân của mỗi cơ quan báo chí có ý nghĩa quan trọng. Nhà nước có thể hỗ trợ về mặt thể chế, chính sách như giảm thuế và có phần kinh phí nhất định hỗ trợ báo chí trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, báo chí cũng phải chủ động phát triển như một lĩnh vực trong xã hội, mạnh dạn, năng động và linh hoạt tìm kiếm các nguồn thu. Hãy mạnh dạn thử nghiệm các mô hình kinh doanh báo chí mới. Không phải sự thử nghiệm nào cũng thành công nhưng có thể rút ra kinh nghiệm, từ chính những thất bại để có thành công khác sau này.
Lê Quốc Minh,
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam