Tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới, bền vững thịnh vượng nhưng phải đảm bảo các yếu tố môi trường, tránh được bẫy thu nhập trung bình… là các nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2018 với chủ đề “Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hòa nhập xã hội”. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Cẩn thận bẫy thu nhập trung bình
Nhận định tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Mặc dù kinh tế năm 2017 đã tăng trưởng cao GDP đạt 6,81%, nhiều chỉ tiêu kinh tế Quốc hội đề ra đã về đích đúng thậm chí vượt. Tuy nhiên, bước sang năm 2018 nền kinh tế cần thận trọng bởi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng trưởng thiếu bền vững.
Cụ thể, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản phát triển như: GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu, quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ và phụ thuộc nhiều vào FDI và xuất khẩu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới là bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiễm mặn, bão lũ, ngày càng ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân…
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cảnh báo theo kịch bản đến năm 2035 dù thu nhập bình quân đầu người Việt Nam có đạt 12.000 USD, thì nền kinh tế vẫn có nguy cơ tụt hậu, vướng bẫy thu nhập trung bình. Bởi theo GDP 2017, Việt Nam mới chỉ đạt hơn 2.385 USD, là mức còn thấp. So với Trung Quốc, mức trung bình của quốc gia này là 8.000 USD, họ phấn đấu đến năm 2020 đạt 10.000 USD trên nền dân số tới 1,4 tỷ người. Việc đặt ra chỉ tiêu đạt mức thu nhập trung bình cao 10.000 – 12.000 USD tại thời điểm hiện tại là khá, nhưng đến 2035 lại là thấp, vì các nước đều trong xu thế phát triển không ai chờ đợi ai, Việt Nam làm được một họ còn làm được hơn thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Từ nhận định trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra sáu nhóm giải pháp căn cơ để tìm ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả.
Thứ hai, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thứ ba, cần phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp và các định chế Nghiên cứu và Phát triển (R&D) làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Cùng với đó, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0…
Thứ tư, phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị. Bộ trưởng nhấn mạnh việc phát triển các cực tăng trưởng mới, xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát huy các cơ chế đặc thù ở TP. HCM, Hà Nội làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển.
Thứ năm cần bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội, thay đổi vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh xã hội hoá, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu vì sự thịnh vượng chung.
Sau cùng là cần phải phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến đầu tư thông minh nhằm tính đầy đủ các phí tổn về khí hậu và môi trường.
Còn theo GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia toàn cầu (AVSE Global), muốn phát triển Việt Nam phải coi trọng bậc nhất vấn đề cải cách thể chế, nếu thế chế cải cách rồi mà cẫn còn cơ chế “xin – cho” thì rất khó phát triển. Môi trường kinh doanh không minh bạch, kỷ luật thị trưởng không có thì rất khó phát triển, GS Nguyễn Đức Khương nhìn nhận.
Trong khi đó, GS. Lê Văn Cường, Đại học Kinh tế Paris, lại hàm ý về Việt Nam cần tập chung mọi nguồn lực để tăng năng suất lao động. Cần phải có sự phân bổ tối ưu giữa việc đầu tư cho máy móc, công nghệ mới và đầu tư cho giáo dục, đào tạo, chính sách tiền lương cho lao động. Khi nào có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố này thì nền kinh tế Việt Nam sẽ rộng đường phát triển hơn, GS. Lê Văn Cường gợi ý./.
Anh Phương