Thu hút đầu tư vào các KCN tiếp tục chuyển biến tích cực

09:53:31 | 7/5/2018


Kết thúc quý 1/2018 thu hút vốn đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt 640 tỷ đồng, đạt 106,71% kế hoạch năm 2018, trong khi đó thu hút vốn FDI đạt 226 triệu USD, đạt 28,24% kế hoạch năm 2018. Kết quả đó, góp phần giúp Bình Dương thu hút đạt 489 triệu USD vốn FDI và 11.600 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước trên toàn tỉnh trong quý 1/2018.

Theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 và Văn bản số 173/TTg-KTN ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đến năm 2020, thì đến năm 2020, toàn tỉnh Bình Dương sẽ có 34 KCN tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 14.791,82 ha.




Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 29 KCN được thành lập, với diện tích 12.798 ha, trong đó có 26 KCN đi vào hoạt động, với tỷ lệ cho thuê đạt 72,2%. Các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đang triển khai là 03 KCN với tổng diện tích là 2.700 ha, bao gồm: KCN Cây Trường (700 ha); KCN VSIP III (1.000 ha); KCN Bàu Bàng mở rộng (1.000 ha). Các KCN chưa được quyết định chủ trương đầu tư là 04 KCN với tổng diện tích là 1.900 ha; 01 KCN đang làm thủ tục thu hồi dự án đầu tư.

Thời gian qua, các chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã cùng với tỉnh tăng cường công tác tiếp thị, đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp cơ sơ hạ tầng, tiến hành cho thuê lại đất và nhà xưởng và đạt được những kết quả khả quan. Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, năm 2017, thu hút đầu tư trong nước vào các KCN trên địa bàn đạt 5.253 tỷ đồng, tăng 51,78% (1.792 tỷ đồng) so với cùng kỳ đạt 875,52% kế hoạch năm 2017. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1.344 triệu USD, tăng 47% (432 triệu USD) so với cùng kỳ, đạt 223,96% kế hoạch năm 2017.

Những tháng đầu năm 2018 tình hình tiếp tục chuyển biến tốt khi hầu hết các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm đều có sự tăng trưởng khá. Kết thúc quý 1/2018 các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 640 tỷ đồng, đạt 106,71% kế hoạch năm 2018 và thu hút 226 triệu USD đầu tư nước ngoài, đạt 28,24% kế hoạch năm 2018.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, kết quả trên là thành quả từ những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc công tác xúc tiến đầu tư. Về phía Ban Quản lý các KCN, Ban đã nghiêm túc quán triệt và bám sát nội dung chỉ đạo của Nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch và chương trình của UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; các nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 18/22/2016, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 06/02/2017 để xây dựng kế hoạch phát triển các KCN phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.

Kỳ vọng và tin tưởng về một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn
Ông Arnoud van den Berg
Tổng giám đốc Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam:


Chúng tôi đến Việt Nam đầu tư thông qua hình thức liên doanh với đối tác Protrade. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ đối tác, rất hài lòng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác này.

Về phía chính quyền tỉnh Bình Dương, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều. Bình Dương là nơi có môi trường đầu tư rất tốt, luôn lắng nghe và sẵn sàng đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có thể nói, hiện nay Bình Dương hiện là thủ phủ của các nhà máy sữa tại Việt Nam. Ngoài chúng tôi, đã có rất nhiều nhà máy sản xuất sữa đầu tư vào Bình Dương, công suất của các nhà máy tại Bình Dương chiếm ¾ sản phẩm sữa của cả nước.

Tôi cho rằng Việt Nam là nền kinh tế ổn định nhất khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng thuộc loại cao nhất, tỷ giá ổn định cùng với những chính sách hiệu quả của Chính phủ. Chúng tôi rất phấn khởi với những nỗ lực mở cửa, nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, tin tưởng và kỳ vọng về một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi hơn.

Cần tiếp tục có nhiều cách làm mới, năng động và sáng tạo hơn nữa
Ông Nguyễn Thái Minh Quang
Giám đốc Vietcombank Bình Dương:


Với tư cách là một đơn vị hoạt động trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy trong những năm qua tỉnh Bình Dương đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính và đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khách hàng của chúng tôi có rất nhiều doanh nghiệp, qua trao đổi chúng tôi nhận thấy họ rất hài lòng với môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh. Tôi cũng nhận thấy, giữa doanh nghiệp và chính quyền đã và đang ngày càng xích lại gần nhau hơn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc có thể trực tiếp gặp trao đổi với lãnh đạo tỉnh cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Đây là một tín hiệu rất tốt và nếu được phát huy tốt, tôi tin rằng môi trường đầu tư và kinh doanh tại Bình Dương sẽ ngày càng tốt hơn nữa, thu hút đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo tôi Bình Dương cần phải nỗ lực để duy trì và phát triển hơn nữa, cần phải tiếp tục có nhiều cách làm mới, năng động và sáng tạo hơn.

Bình Dương có đủ thiên thời - địa lợi – nhân hòa
Ông Lý Ngọc Bạch
Tổng giám đốc Công ty TNHH Cường Phát:


Môi trường đầu tư và kinh doanh tại Bình Dương nói chung rất tốt. Bình Dương có đầy đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nền đất Bình Dương khá bằng phẳng, chắc chắn, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí. Bình Dương cũng rất gần với các bến cảng, sân bay quốc tế nên rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng rất nhiệt tình, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, doanh nghiệp nếu vướng mắc thủ tục giấy tờ được tỉnh giải quyết khá nhanh gọn.

Bình Dương cần quan tâm nhiều hơn cho phát triển dịch vụ logistics
Ông Nguyễn Thành Sơn,
Giám đốc Công ty CP ICD Tân Cảng Sóng Thần:


Logistics là ngành có vai trò đặc biệt quan trọng, song tôi nhận thấy tỉnh chỉ mới quan tâm chứ chưa thật sự chú trọng đến phát triển ngành logistics. Bình Dương phải thay đổi tư duy và nhanh chóng nhận thấy tầm quan trọng của ngành để có chính sách phù hợp và cụ thể. Chi phí logistics cả nước trung bình khoảng 25%, Bình Dương cần phải nghiên cứu cụ thể tỉnh ở mức nào, từ đó phân tích đánh giá và có quyết sách phù hợp. Hiện nay, các tuyến đường kết nối Bình Dương với các đầu mối xuất nhập khẩu đang bị tình trạng “thắt cổ chai”. Bình Dương cần nghiên cứu thêm loại hình vận tải đa phương thức, song song với đường bộ cần phát huy tốt vai trò của đường sắt, đường thủy.

Tôi hài lòng và đánh giá cao môi trường đầu tư tại Bình Dương
Ông Masaki Nakamura,
Tổng giám đốc Công ty TNHH Yokohama Tyre Viêt Nam:


Là một doanh nghiệp hoạt động đầu tư tại Bình Dương, gắn bó với Bình Dương qua nhiều năm chúng tôi nhận thấy rằng khả năng quản lý, điều hành và sự tương tác của chính quyền tỉnh với doanh nghiệp rất tốt. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Ban quản lý VSIP cũng như các sở, ban ngành của tỉnh.

Cá nhân tôi đánh giá rất cao về môi trường đầu tư kinh doanh tại Bình Dương hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi tỉnh Bình Dương cũng cần phải nỗ lực thêm để hoàn thiện hơn. Tôi nhận thấy hạ tầng giao thông của Bình Dương những năm qua đã có những bước phát triển khá nhanh nhưng nhiều tuyến chính, đặc biệt các tuyến đường kết nối giữa Bình Dương với thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu quá tải, cần phải được đầu tư nâng cấp tốt hơn nữa.

Ngoài ra, theo tôi tỉnh Bình Dương cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa về cải cách thủ tục hành chính, qua đó ngày càng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động.

Linh Linh