Khu công nghiệp Thăng Long III Vĩnh Phúc: Tạo dấu ấn trong thu hút đầu tư

14:46:06 | 4/3/2019

Ngày 8/11/2018, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH KCN Thăng Long-Vĩnh Phúc đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 và đầu tư giai đoạn 2 KCN Thăng Long III Vĩnh Phúc sau 13 tháng khởi công. Đây là KCN thứ 3 của Tập đoàn Sumitomo triển khai tại Việt Nam (sau KCN Thăng Long I Hà Nội và KCN Thăng Long II Hưng Yên) và là KCN thứ 10/18 của tỉnh. KCN Thăng Long III được kỳ vọng trở thành một hình mẫu về chất lượng hạ tầng, môi trường, văn hóa ứng xử và tạo bước đột phá cho sự phát triển công nghiệp như phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì tại buổi lễ: Sự kiện mở ra một giai đoạn mới trong quá trình xây dựng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp phong phú, đa dạng của tỉnh. Xung quanh nội dung trên, Tạp chí Vietnam Business Forum có buổi trao đổi với Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc - Satoru Wachi.

Một vài chia sẻ của ông về việc triển khai dự án KCN Thăng Long III Vĩnh Phúc?


KCN Thăng Long III Vĩnh Phúc thành lập cuối năm 2015, ngày 21/9/2017 được khởi công xây dựng và đến ngày 8/11/2018 hoàn thành giai đoạn I. Đến thời điểm hiện tại có 11 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đăng ký với tổng số vốn 200 triệu USD. Điều này rất có ý nghĩa bởi lần đầu tiên Sumitomo có trên 10 khách hàng trong thời gian ngắn như vậy.



Các KCN Thăng Long I, II và III đều hướng tới, mong muốn và chào đón nhà đầu tư đến từ các nước và doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư tại Việt Nam nhưng họ e ngại hệ thống luật pháp, thủ tục hành chính, tuyển dụng lao động khá phức tạp. Chúng tôi có cùng ngôn ngữ tiếng Nhật, lại hoạt động lâu năm tại Việt Nam nên có thể hỗ trợ tốt nhất các nhà đầu tư Nhật Bản. Bởi thế, chúng tôi tập trung vào những đối tác này và tại các KCN Thăng Long luôn có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khẳng định: Các KCN Thăng Long luôn sẵn sàng chào đón đối tác đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.

Đâu là những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai dự án KCN Thăng Long III tại tỉnh Vĩnh Phúc, thưa ông?

Chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi bởi mặt bằng triển khai KCN có nền đất cứng, giúp giảm thiểu đáng kể chi phí xây dựng hiện tại và cho các nhà máy xây dựng sau này. Đặc biệt, chính quyền Vĩnh Phúc và các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đều hết sức quan tâm giúp đỡ và đồng hành với chúng tôi. Sumitomo đã triển khai KCN Thăng Long I năm 1997 tại Hà Nội, Thăng Long II năm 2006 tại tỉnh Hưng Yên và đều nhận được sự giúp đỡ lớn từ chính quyền địa phương. Nhưng nếu phải so sánh, tỉnh Vĩnh Phúc có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn hẳn. Mọi thủ tục đều thuận lợi; những cam kết hỗ trợ được thực thi nhanh chóng. Hiện đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Tất Thành do ngân sách tỉnh đầu tư đã hoàn thành nối KCN Thăng Long III với hệ thống giao thông thuận tiện. Lưới điện, trạm biến áp cũng đã triển khai và có riêng 01 trạm cho KCN Thăng Long. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở ngành và huyện Bình Xuyên luôn quan tâm động viên, chỉ đạo tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư. Người dân xã Tam Hợp và Thiện Kế cũng hiểu, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong quá trình thi công. Chúng tôi tin tưởng rằng các khách hàng của KCN Thăng Long III cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ như vậy.



Mục tiêu và định hướng của công ty trong thời gian tới?

Dự kiến trong 3- 5 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác khách hàng sớm lấp đầy 100% diện tích, đồng thời hỗ trợ tối đa để đến năm 2030 các khách hàng đi vào sản xuất ổn định. Khi đó KCN Thăng Long III sẽ tạo 40-50 nghìn việc làm, nộp thuế, chuyển giao công nghệ… góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Vĩnh Phúc.

Ông có ý kiến, đề xuất gì với các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nhằm thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp?

Trong thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đang ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có ngành nghề, công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường. Chúng tôi cũng được biết, tỉnh đã không tiếp nhận một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tại thời điểm hiện nay khi nhắc tới sản xuất hoá chất, dệt nhuộm, giấy… sẽ không được chào đón.

KCN Thăng Long III luôn hướng tới nhà đầu tư có dây chuyền công nghệ cao, thuộc các lĩnh vực IT, Automobile... Nhưng thiết nghĩ, khi có nhà đầu tư thuộc lĩnh vực “nhạy cảm”, chính quyền tỉnh nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn xung quanh các vấn đề: Dây chuyền công nghệ, xử lý rác thải, giải pháp bảo vệ môi trường… nhất là đối với các nhà đầu tư Nhật Bản vốn kinh doanh nghiêm túc, tôn trọng sự phát triển bền vững chung.