07:54:02 | 4/1/2022
Năm 2021 với nhiều biến động do sự bùng phát trở lại và kéo dài của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2021 vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm đã dần được phục hồi, tạo đà cho tăng trưởng năm 2022.
Khó khăn chồng chất
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7 năm 2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Việc vận chuyển hàng hóa khó khăn do quy định của các địa phương không thống nhất đối với các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế lưu thông, khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất…
Đó là chưa kể đến dòng tiền của doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Điều này khiến doanh nghiệp sau giãn cách xã hội chưa thể phục hồi ngay năng lực sản xuất do thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng, tay nghề cao…
Trước những khó khăn như vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong báo cáo ADO 2021, GDP của Việt Nam năm 2021 dự kiến tăng trưởng khoảng 3,8% và 6,5% vào năm 2022.
Còn theo ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, GDP của Việt Nam ước tính chỉ tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2021. Tuy vậy, năm 2022, GDP của VN vẫn có thể đạt mức 6-6,5% nếu Việt Nam đáp ứng được hai điều kiện. Đó là kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu.
Nỗ lực tạo nên những gam màu sáng
Tuy khó khăn chồng chất nhưng cộng đồng doanh nghiệp VN đã năng động và nỗ lực vượt qua trở ngại, góp phần tạo nên những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế.
Theo số liệu thống kê, 11 tháng đầu năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Khu vực doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng cao.
Đặc biệt, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Mặc dù quý 3/2021, nền kinh tế "chao đảo" vì đại dịch nhưng trong 11 tháng năm 2021 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 26,46 tỷ USD ở 18 lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI đăng ký lên đến 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký. Bức tranh kinh tế 11 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính và cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, phí vận chuyển và logistic tăng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt tới 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.
Cơ hội phục hồi
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%...
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, Việt Nam cũng đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ của Việt Nam theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4% GDP, trong đó gói về tài khóa là khoảng 2,9 %, gói về tiền tệ là khoảng 1,1 %.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là nhiệm kỳ mà tất cả các khung khổ quyết định cho phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, thậm chí là với tầm nhìn dài hạn hơn đã được Trung ương có chủ trương và Quốc hội đã ban hành toàn bộ các nghị quyết về khung khổ này.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng…
Theo nhiều chuyên gia, để đạt được kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra, hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời, cần kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn; nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư: Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng...
Đặc biệt, cần thực hiện nhanh và hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.
Ngoài ra, cần tăng cường triển khai và thực hiện chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính; tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận tại các chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng tình trạng “cát cứ” không thống nhất gây cản trở…
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI