BÀ RỊA- VŨNG TÀU

Hướng đến một nền công nghiệp sản xuất “xanh, sạch, đẹp”

15:05:42 | 11/10/2011

Từ khi thành lập đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục có những đột phá ấn tượng cả trên mặt trận kinh tế lẫn an sinh xã hội. Trong thành công này có đóng góp không nhỏ từ sự phát triển của các KCN trên địa bàn. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Châu - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hồng Hà thực hiện.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành được một hệ thống KCN khá đồng bộ. Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể trong quá trình xây dựng các KCN tại địa phương cũng như quá trình thu hút đầu tư vào các KCN này?

Kể từ khi KCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập vào năm 1996 (KCN Đông Xuyên), đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 14 KCN với tổng diện tích 8.801,58ha, tổng vốn đầu tư được phê duyệt 21.492,5 tỷ đồng. Trong đó, huyện Tân Thành có 9 KCN gồm Phú Mỹ I, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân B1- Conac, Cái Mép, Phú Mỹ II, Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, Mỹ Xuân B1-Đại Dương và Phú Mỹ III. Tại TP.Vũng Tàu có 2 KCN gồm Đông Xuyên và Long Sơn. Các địa phương khác có 3 KCN gồm KCN Long Hương –TX.Bà Rịa, KCN Châu Đức và KCN Đất Đỏ.

Các KCN đi vào hoạt động đã đầu tư hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh với giá trị đạt 5.165 tỷ đồng, tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng mới và tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh. Các nguồn vốn tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN rất đa dạng, đã tạo nên một hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh phục vụ cho công tác triển khai xây dựng và hoạt động của các dự án thứ cấp.

Tổng số dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực tại 14 KCN là 229 dự án với tổng vốn đăng ký 14,812 tỷ USD, gồm: đầu tư trong nước 114 dự án, vốn đầu tư 34.856 tỷ đồng và 1.561 tỷ USD; đầu tư nước ngoài 115 dự án, vốn đầu tư 11,071 tỷ USD. Tổng diện tích đất thuê 2.165 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy 36,64%.

Ông có thể cho biết yếu tố nào đã giúp Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và các KCN trên địa bàn nói riêng có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước?

Hầu hết các KCN đã được thành lập có vị trí nằm liền kề với các sông lớn, thuận tiện trong việc chuyên chở hàng hóa bằng đường thủy như KCN Đông Xuyên thuộc địa bàn Tp. Vũng Tàu chuyên về dịch vụ dầu khí có sông Dinh là ranh giới của KCN, phù hợp với khả năng phát triển hệ thống cảng từ 10.000 tấn trở xuống. Các KCN còn lại thuộc địa bàn huyện Tân Thành nằm liền kề với sông Thị Vải có khả năng đón tàu có trọng tải từ 30.000 – 80.000 tấn. Việc bố trí, quy hoạch kề cận với hệ thống cảng đã tạo cho các KCN tỉnh có lợi thế lớn so với các KCN khác trong vùng về phát triển công nghiệp nặng. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp cũng được tăng tốc đầu tư vào các KCN tỉnh để tận dụng lợi thế cảng nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Dựa trên các lợi thế sẵn có đã hình thành tính chất KCN, từ đó làm tiền đề, định hướng trong thu hút đầu tư vào các KCN. Các nhà đầu tư đã tìm hiểu các tiêu chí trong thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh và đã quyết định lựa chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là điểm đến đầu tư.

Bên cạnh lợi thế về cảng thì lợi thế về đường ống dẫn khí gas thiên nhiên đã được đưa vào đất liền cung cấp đến tận các nhà máy cũng là một trong những ưu thế mà các KCN khác không có được. Điều này giúp cho các dự án giảm được chi phí, nâng hiệu quả của dự án.

Quá trình quy hoạch, đưa vào hoạt động của các dự án tại các KCN trên địa bàn tỉnh có tồn tại những bất cập nào không, thưa ông?

Việc quy hoạch phát triển các KCN tỉnh không tính đến xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; chưa chú trọng gắn việc xây dựng quy hoạch chi tiết từng KCN với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động, đặc biệt là đối với người lao động nhập cư.Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc đó, UBND tỉnh đã có văn bản số 3234/UBND-VP giao cho Ban quản lý làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhà ở cho công nhân KCN ở huyện Tân Thành. Ban đã tiến hành các thủ tục và xây dựng phương án đền bù. Sau đó UBND tỉnh đã có Quyết định 1391/QĐ-UBND ngày 2/6/2010 chuyển chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhà ở cho công nhân KCN. Bên cạnh đó tỉnh đã tách khu đất 22 ha thuộc KCN Mỹ Xuân A2 cho phép xây dựng nhà ở công nhân phục vụ cho KCN này.

Xin ông cho biết định hướng phát triển của các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong những năm tiếp theo? Ông có những đề xuất kiến nghị gì để thúc đẩy hoạt động của các KCN phát triển nhanh và mạnh hơn?

Theo quy hoạch đã được phê duyệt tỉnh có 9 KCN, tuy nhiên do yêu cầu phát triển nên tỉnh đã phát triển thêm 5 KCN, nâng tổng số KCN hiện nay lên 14 khu. Định hướng trong thời gian tới cần tập trung thu hút để lấp đầy các KCN đã thành lập, chú trọng xây dựng các công trình phục vụ an sinh xã hội cho người lao động, phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường để hướng đến một nền công nghiệp sản xuất “xanh, sạch, đẹp”.

Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ kiến nghị các Bộ, ngành TW cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa để Ban quản lý các KCN hoàn chỉnh cơ chế “một cửa, tại chỗ”.