Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục luôn là mục tiêu hàng đầu và cũng là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn của ngành giáo dục Khánh Hòa. Bên cạnh đó, ngành cũng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, tăng cường các điều kiện đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục phát triển, trong đó đề cao, phát huy tính chủ động sáng tạo cho đội ngũ CBCNV trong ngành.
Năm học 2010 – 2011, ngành đã đạt được các mục tiêu đặt ra như duy trì kết quả học sinh tốt nghiệp các cấp phổ thông (tiểu học: 99,94%; THCS: 98,7%; THPT: 96,64%); đạt 28 giải học sinh giỏi quốc gia; có khoảng 25% học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với mức điểm bình quân 3 môn thi xếp thứ 29/63 tỉnh thành, trong đó có 2 trường nằm trong top 200 của toàn quốc. Ngành cũng đã tiếp tục duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học-chống mù chữ và đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2010-2011 toàn quốc đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Cờ thi đua xuất sắc và 12 bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc 12/16 lĩnh vực công tác.
Năm học 2011-2012, ngành đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để các nhà trường thuận lợi trong việc triển khai kế hoạch, nhiệm vụ của mình. Các đối tượng học sinh được hưởng chế độ trợ cấp học tập đều đã được cấp vở, dụng cụ học tập và cho mượn sách giáo khoa đúng quy định; riêng học sinh là người dân tộc thiểu số từ mầm non cho đến đại học đều được ngân sách tỉnh hỗ trợ học bổng đồng loạt để có điều kiện đi học thuận lợi. Nhờ vậy, việc huy động học sinh, đặc biệt là các lớp đầu cấp khá tốt, nhiều nơi đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao và xét về tổng thể, quy mô phát triển giáo dục của các cấp học, ngành học trong toàn tỉnh ổn định, đảm bảo nhu cầu học tập của nhân dân.
Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Khánh Hòa, chuyên môn vẫn là vấn đề sống còn của ngành giáo dục, trong đó việc đổi mới phương pháp dạy và học là hoạt động có ý nghĩa xuyên suốt trong toàn ngành. Bám theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, ngành giáo dục Khánh Hòa tiến hành đổi mới phương pháp dạy – học gắn liền với đặc trưng của từng cấp học và cụ thể hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp riêng cho từng đối tượng cụ thể. Ngành luôn coi trọng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh ngày càng thực chất hơn. Qua đó nhằm thực hiện tốt trách nhiệm của ngành trong việc chuẩn bị ngày càng tốt hơn “đầu vào” cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cao của tỉnh nhà.
Ngành giáo dục Khánh Hòa đã quan tâm và ưu tiên hàng đầu tới đội ngũ cán bộ, giáo viên- nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục. Từ nhiều năm nay, Khánh Hòa đã cơ bản đảm bảo đủ giáo viên cho các cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Ngành đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên theo nhiều hình thức khác nhau.Tỉnh cũng đã quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách chung của Nhà nước thì cũng đã có những vận dụng riêng của địa phương. Nhờ vậy mà đội ngũ giáo viên Khánh Hòa luôn ổn định, yên tâm công tác lâu dài.Theo ông Tứ, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào một số trọng điểm, đó là : Tiếp tục đầu tư, chỉ đạo để phát triển giáo dục mũi nhọn – nhất là đối với trường chuyên Lê Quý Đôn để thực sự ngang tầm với vị trí của tỉnh nhà; chỉ đạo sâu sát, cụ thể, đầy đủ hơn nữa hoạt động giáo dục ở các địa bàn khó khăn (nhất là các huyện miền núi, các vùng nông thôn xa). Phát triển sự nghiệp giáo dục ở huyện đảo Trường Sa cũng là mối quan tâm thường trực của tỉnh và ngành như xây dựng trường, lớp, nhà công vụ, cung cấp các trang thiết bị, phương tiện dạy – học và quan trọng nhất vẫn là xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực công tác ở địa bàn này. Mặt khác, trong mục tiêu phát triển, ngành giáo dục cũng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, tăng cường các điều kiện đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục phát triển.
Định Sơn