QUẢNG NINH

Quảng Ninh đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư

15:44:28 | 7/2/2012

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2012. Đây là cơ hội để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ngô San - Lê Sáng thực hiện.

Căn cứ vào các kết quả VCCI công bố về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2010, Quảng Ninh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Ông có đánh giá thế nào về kết quả này?

Trong các năm từ 2008 đến 2010, xếp hạng chỉ số PCI Quảng Ninh liên tục tăng tương ứng ở mức 27, 26 và 7. Đằng sau những kết quả đó, những kế hoạch và thực hiện các giải pháp thông qua các công việc cụ thể hằng ngày, từ đó từng bước đã cải thiện các chỉ số thành phần, phát huy những thế mạnh, khắc phục những khó khăn, hạn chế. Những công việc đã thực hiện sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới để đảm bảo tính ổn định PCI Quảng Ninh trong biểu đồ PCI Việt Nam. Nhìn vào các chỉ số, có thể thấy có nhiều chỉ số Quảng Ninh rất gần với đơn vị dẫn đầu.

Năm 2010, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 7/63 tỉnh thành phố, một kết quả đáng ghi nhận đã thể hiện những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh. Bằng những công việc cụ thể, thiết thực như cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tăng cường công tác đào tạo, sử dụng tối đa các phương tiện để cung cấp thông tin... đã giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, thể hiện bằng kết quả là các chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động của lãnh đạo tỉnh và đào tạo cho doanh nghiệp đã tăng mạnh.

Trong các tiêu chí đánh giá chỉ số PCI, tiêu chí thứ 7 đó là tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh có những bước tiến đáng kể (năm 2010 Quảng Ninh đạt 6.42/10 điểm). Trong giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ninh có biện pháp nào nhằm đẩy mạnh hơn nữa tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thưa ông?

Năm 2010, chỉ số này của Quảng Ninh đạt 6,42 điểm, cao hơn năm 2009 là 0,52 điểm (5,9), điều này thể hiện tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục cải thiện, Chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, Quảng Ninh sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia, vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành, đặc biệt là về phía lãnh đạo cấp cao cần phải có những quyết sách quyết đoán, sáng suốt trong công tác điều hành. Tỉnh sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời tập trung ưu tiên vào những dự án có nhiều triển vọng, hiệu quả, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trọng điểm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế Vân Đồn...

Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, theo ông, đâu là mô hình và cơ chế tối ưu nhất nhằm đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư của trung tâm này?

Trong thời gian qua, hoạt động đầu tư của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Công tác quảng bá, tuyên truyền giới thiệu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có cơ quan thống nhất là đầu mối. Một số trung tâm trực thuộc các Sở, ban ngành thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhưng kế hoạch, chương trình xúc tiến chưa thực sự bám sát định hướng chiến lược phát triển của tỉnh, triển khai độc lập nên thiếu sự đồng bộ nên hiệu quả còn hạn chế.

Vì vậy, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là đơn vị đầu mối, giúp UBND tỉnh tổ chức các hoạt động về xúc tiến đầu tư; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân quản trị doanh nghiệp, nghiên cứ đề xuất chinh sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Mô hình và cơ chế của trung tâm như một cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận nhanh và gần hơn với khối quản lý hành chính nhà nước, với nguồn thị trường và thông tin nhiều lĩnh vực để doanh nghiệp có được những quyết sách đầu tư hiệu quả và nhanh chóng. Trung tâm có quyền hạn và chức năng đủ mạnh để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào Quảng Ninh.

Theo ông, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư trên địa bàn, Quảng Ninh sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

Cải thiện môi trường đầu tư và tạo được bước đột phá trong thu hút đầu tư vào địa bàn là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược. Để mở được cánh cửa khó khăn này, chúng tôi xác định cần tập trung vào các “chìa khóa” sau:

1. Cải cách hành chính được xác định là khâu đột phá nhằm đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết công việc của Nhà nước với các tổ chức và công dân.

2. Cải tiến và chuyên nghiệp hoá công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư: chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước, danh mục các dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư nhằm giới thiệu cho các nhà đầu tư hiểu biết rõ thêm về Quảng Ninh và những cơ hội thuận lợi khi nhà đầu tư đến sản xuất kinh doanh tại Quảng Ninh. Đặc biệt, đầu năm 2012, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, mang tầm cỡ quốc tế, hi vọng sẽ đem lại một “cú hích” lớn trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh.

3. Hoàn thiện Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội: hiện tại tỉnh đang làm việc với Tập đoàn Monitor của Mỹ để tiến hành lập quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh. Khi quy hoạch này được phê duyệt đây sẽ là nền tảng cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh.

4. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Làm tốt việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Công tác đào tạo cần phải gắn với nhu cầu của nhà đầu tư, xây dựng mô hình kết hợp giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo thuận lợi về hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước, cung cấp điện ổn định; các hệ thống thoát nước thải; các công trình phụ trợ... tạo ra hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ.

6. Tiến hành rà soát, xem xét thu hồi đất đối với các dự án triển khai chậm, dự án treo,…hình thành “Quỹ đất sạch” để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm có địa điểm để đầu tư sản xuất kinh doanh. Phối kết hợp chặt chẽ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để giao cho nhà đầu tư trong thời gian ngắn nhất.