ĐIỆN BIÊN

Huyện Điện Biên: Nội lực một huyện trọng điểm

09:32:36 | 14/12/2012

Có nhiều tiềm năng về tự nhiên, những năm qua, huyện Điện Biên được biết đến là một trong những địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh với cơ cấu được quy hoạch gồm nông nghiệp – công nghiệp, du lịch và dịch vụ.

Với trên 80% dân số sống bằng nông nghiệp nên một trong những nguồn lực được huyện Điện Biên tập trung ưu tiên là phát triển sản xuất nông nghiệp. Đất đai ở Điện Biên có độ phì nhiêu khá cao phù hợp cho sự phát triển của các loại cây lương thực hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày… Với tổng diện tích gieo trồng gần 25.000 ha, đặc biệt là diện tích gieo cấy lúa 2 vụ/năm tại các xã khu vực lòng chảo như: Thanh Nưa, Thanh Xương, Sam Mứn, Thanh Luông, Thanh Yên, Thanh An... giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất cũ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tăng năng suất, sản lượng cây trồng trên cùng đơn vị diện tích. Được tỉnh xác định là “Vùng trọng điểm lương thực số một của tỉnh”, huyện đã và đang tích cực đẩy mạnh dồn điền đổi thửa hướng đến việc hình thành những vùng chuyên canh tạo thuận lợi cho việc cơ giới hoá nông nghiệp và nâng cao giá trị hàng nông sản.

Điện Biên cũng là một huyện có nhiều tiềm năng về khoáng sản như than đá ở Thanh An, vàng ở Na Ư, cao lanh ở Noong Luống… Đặc biệt, tiềm năng về du lịch rất lớn, trên địa bàn huyện có di tích thành Bản Phú, đền thờ Hoàng Công Chất, khu du lịch sinh thái Hồ Pe Luông, suối khoáng U Va, hồ Pa Khoàng, động Pa Thơm và khu di tích mang đậm dấu ấn lịch sử Mường Phăng, ngoài ra còn có các bản văn hóa du lịch. Du lịch đã trở thành ngành đột phá quan trọng, tạo giá trị ngày càng cao cho kinh tế huyện Điện Biên. Ngoài ra, ngành công nghiệp Điện Biên cũng đang có sức bật mới với sự sôi động của các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề. Cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, huyện Điện Biên tiếp tục nỗ lực, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi thải…

nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm trên địa bàn huyện. Do là huyện biên giới Việt – Lào với 2 cửa khẩu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Điện Biên trong quan hệ đối ngoại và hoạt động kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng kinh tế. Tại 9 xã vùng ngoài, vốn là địa bàn khó khăn bậc nhất của huyện, giờ đây đường sá đuợc đầu tư, nâng cấp đã góp phần thay đổi bộ mặt các xã vùng cao. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế trên địa bàn như: 135/CP, 160/CP, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế-xã hội vùng cao (252 bản), bố trí sắp xếp lại dân cư vùng biên giới Việt - Lào và vùng điểm bản Tin Tốc (xã Mường Lói), điểm bản Pha Thanh (xã Mường Nhà), trồng cây cao su được xúc tiến triển khai.

Năm 2011 là một năm khó khăn nhưng huyện Điện Biên vẫn có những khởi sắc cho thấy những chính sách đã đi vào đời sống. Đây là nền tảng để huyện tiếp tục biến khó khăn thành cơ hội phát triển, tạo sức bật mới trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

PV