LONG AN

Long An: Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

17:12:49 | 9/7/2020

Thời gian qua, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Long An đã phát huy hiệu quả thiết thực, đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An xung quanh nội dung này. Ngô San thực hiện.

Ông có thể khái quát những kết quả nổi bật về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An trong thời gian qua?

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Long An trong 2019 có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt, nhiều lĩnh vực chuyển biến rõ nét hơn, tăng trưởng cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 ước đạt khoảng 9,9%/năm. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 72,7 triệu đồng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 1,95%/năm. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 88/166 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 53,%. Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân đạt 15,8%/năm, đóng vai trò động lực phát triển. Quy mô ngành công nghiệp khá lớn, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn khu vực và toàn nền kinh tế. Thương mại - dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân đạt khoảng 7,37%/năm. Kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá cao, khoảng 14,5%/năm, với gần 26 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2020; thị trường không ngừng được mở rộng, đã xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao.

Về đầu tư, đến hết năm 2019 tỉnh đã thu hút được 1.026 dự án FDI với vốn đăng ký là 6.211 triệu USD; 1.923 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 221.931 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay  có 11.478 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 304.369 tỷ đồng. Kinh tế phát triển làm cho nguồn thu ngân sách của tỉnh ngày càng tăng, thu ngân sách năm 2015 đạt 9.488 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 17,7%/năm. Riêng năm 2019 tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 18.242 tỷ đồng. Đây là điều kiện để tỉnh có nguồn lực để tăng đầu tư phát triển, tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.

Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là vấn đề được Long An đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, cơ cấu kinh tế tỉnh cũng đã có những bước dịch chuyển rõ nét. Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể?

Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt từ 9,5- 9, 6%; GRDP bình quân đầu người đạt 80-85 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nhà nước hơn 16.800 tỷ đồng; sản lượng lương thực đạt 2,7 triệu tấn…

Chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững đã được tỉnh triển khai quyết liệt trong những năm vừa qua. Theo đó, mục tiêu của tỉnh Long An là phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó lấy công nghiệp làm động lực, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới là nền tảng và phát triển thương mại dịch vụ, gắn với cảng biển và kho vận là đột phá chiến lược để hướng đến năm 2030. Tỉnh chọn công nghiệp, xây dựng là ưu tiên đột phá trong phát triển, từ đó tác động trở lại các lĩnh vực khác cùng phát triển. Tỉnh đã quy hoạch quỹ đất để phát triển công nghiệp khoảng 13.000 ha (trong đó, có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 2.274,46 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 85,77% và 21 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích 1.095 ha, tỷ lệ lấp đầy 86,55%). Hiện quy mô sản xuất công nghiệp của tỉnh tương đối lớn với giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 đạt khoảng 340.000 tỷ đồng.

Mặc dù chọn công nghiệp, xây dựng là ưu tiên đột phá phát triển, nhưng tỉnh cũng chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp và dịch vụ nhằm hướng đến sự cân bằng trong phát triển. Về nông nghiệp, tỉnh sẽ phát triển theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn và theo chuỗi giá trị nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bước đầu đã hình thành những vùng chuyên canh như vùng lúa chất lượng cao ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, vùng thanh long ở huyện Châu Thành, vùng rau ở Cần Giuộc… Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng việc tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Với sự quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có những chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2019, cơ cấu kinh tế 3 khu vực I, II, III lần lượt là 15,86% - 50% - 34,14%.

Thu hút đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp Long An hoàn thành mục tiêu phát triển thành tỉnh công nghiệp.  Vậy tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để tăng hiệu quả thu hút đầu tư?

Long An xác định kêu gọi đầu tư là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, tỉnh đã và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Điều này thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm của tỉnh (PCI) được cải thiện và luôn nằm ở nhóm “tốt”.

Thứ hai, định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, cấp điện, nước...

Thứ tư, để đảm bảo phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành và thực hiện các quy chuẩn trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao, công nhân kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu phát phát triển.

Nhằm tận dụng, phát huy tốt những lợi thế của tỉnh và thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Long An tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (gồm cơ khí - chế tạo máy, điện tử - tin học, sản xuất linh kiện, lắp ráp…), công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng. Đây là những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều lợi thế thu hút đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của tỉnh Long An là “Tiếp tục tập trung tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng; huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện đạt hiệu quả 2 Chương trình đột phá và 3 Công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh; tăng cường xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ; tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị; trật tự, an toàn xã hội.

Nguồn: Vietnam Business Forum