Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực hiện chủ trương đó, tỉnh Gia Lai xác định cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên.
Chính quyền năng động
Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, trong những năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng nỗ lực tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp tích cực để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, trong đó có nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Nhờ sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng có nhiều tiến bộ và có tới 80% số doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của các cơ quan chính quyền.
Tỉnh Gia Lai đã liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư đến với tỉnh Gia Lai: Năm 2016 tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Gia Lai, năm 2018 tổ chức hai hội nghị (tại Gia Lai và TP.Hồ Chí Minh) và Hội thảo “Kiến tạo chuỗi giá trị quan trọng cho hai nền kinh tế Việt Nam và Australia”; Năm 2019 tổ chức xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hai hội thảo tọa đàm kết nối đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh và TP.Hồ Chí Minh; 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nhưng tỉnh đã cho phép Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội doanh nhân trẻ, Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn tổ chức Hội nghị “Giao thương xúc tiến thương mại và kết nối đầu tư giữa Doanh nhân Gia Lai và Doanh nhân Sài Gòn”,…
Các khóa đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (không thu học phí học viên) cũng thường xuyên được tổ chức. Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức khoảng 40 lớp và có khoảng 4.000 học viên đăng ký tham gia khóa đào tạo.
Hàng tuần, Chủ tịch UBND tỉnh nghe các sở, ngành báo cáo tiến độ dự án kêu gọi đầu tư để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời; định kỳ hàng quý, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư; hàng tháng, lãnh đạo Sở làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã, thành phố về giao chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp, các huyện giao chỉ tiêu cho từng xã. Giai đoạn 2016-2020, số lượng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động không ngừng tăng lên, trong 5 năm đã có 3.939 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bình quân hằng năm có khoảng 790 doanh nghiệp được thành lập mới. Tốc độ tăng bình quân doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 năm gần đây đạt 21,6%/năm (riêng 6 tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 28,6%).
Cải cách hành chính và đẩy nhanh triển khai dịch vụ công
Cải cách hành chính có bước vượt bậc: Giảm từ 50-70% thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: Đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và đăng ký thay đổi nhiều nội dung: 01 ngày; đăng ký thay đổi từ 2 nội dung trở xuống: 1/2 ngày (trên 35% hồ sơ có thể lấy ngay kết quả khi nộp hồ sơ hợp lệ); tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng (online) đạt trên 80%; thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 01 ngày (thời gian quy định là 05 ngày); thời gian giải quyết TTHC về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh 32 ngày (thời gian quy định là 35 ngày).
Tỉnh Gia Lai là một trong những tỉnh đi đầu trong việc triển khai dịch vụ công về đăng ký kinh doanh, hoạt động chính thức tháng 5/2016 đến nay đã đáp ứng được nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng qua các năm. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 1.000 lượt doanh nghiệp đến liên hệ, đăng ký làm dịch vụ công, trung bình mỗi năm khoảng 250 doanh nghiệp, đó là chưa tính số doanh nghiệp mà bộ phận dịch vụ công tư vấn hồ sơ. Hầu hết doanh nghiệp hài lòng về dịch vụ này, bởi vì bộ phận dịch vụ công ra đời góp phần giảm thiểu chi phí thời gian và chi phí không chính thức của doanh nghiệp, đội ngũ chuyên nghiệp, mức giá phù hợp, được công khai tại bộ phận một cửa. Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã giảm 20% chi phí dịch vụ công lập hồ sơ về đăng ký kinh doanh, phấn đấu cuối năm sẽ giảm thêm khoảng 10% chi phí nữa.
Từ năm 2019 tỉnh đã tổ chức triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), kết quả được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và các sở ngành, địa phương đã có những giải pháp để khắc phục trong năm 2020.
Phấn đấu năm 2025 đạt top 20 cả nước về chỉ số PCI
Theo công bố của VCCI, PCI của tỉnh Gia Lai từ năm 2014 đến 2019 như sau: Năm 2014 đạt 56.16 điểm, thứ hạng 48; năm 2015 đạt 56.83 điểm, thứ hạng 47; năm 2016 đạt 57.42 điểm, thứ hạng 46; năm 2017 đạt 60.91 điểm, thứ hạng 43; năm 2018 đạt 63.08 điểm, thứ hạng 33; và năm 2019 đạt 65.34 điểm, thứ hạng 30. Như vậy, từ năm 2014 đến năm 2019, PCI của tỉnh Gia Lai tăng 18 bậc. Nguyên nhân chính là sự kế thừa những thành quả đạt được qua các năm, đồng thời là sự cố gắng nỗ lực của các cấp chính quyền trong công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư.
Trong thời gian tới, để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân... tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ, của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu năm 2025 đạt top 20 cả nước về chỉ số PCI. Phấn đấu cải thiện 10 chỉ số thành phần, đặc biệt là các chỉ số con (thuộc 10 chỉ số thành phần).
“Đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC, đẩy mạnh rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; tăng cường công khai thông tin về pháp lý, đất đai, quy hoạch, đấu thầu... theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp cận một cách thuận lợi và dễ dàng; đảm bảo thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách TTHC về kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó là phát huy và triển khai thực hiện hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hồ Phước Thành chia sẻ.
Hiện tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đảm bảo việc cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo Kế hoạch số 2575/KH-UBND ngày 18/11/2019 của UBND tỉnh về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh Gia Lai đến năm 2021 để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (Quyết định số 1184/QĐ-UBND, ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc công bố danh mục TTHC tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích). Đào tạo, bồi dưỡng định kỳ và thường xuyên về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thái độ ứng xử, ý thức trách nhiệm… để cán bộ tiếp xúc và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp phải am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ và có thái độ phục vụ, nhiệt tình, thân thiện. Tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC theo hướng phấn đấu giảm từ 30-70% thời gian thực hiện các TTHC so với quy định của pháp luật.
Nguồn: Vietnam Business Forum