Trong năm 2020, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song tỉnh Khánh Hòa vẫn nỗ lực tìm ra những hướng giải quyết phù hợp với tình hình. Nhờ vậy mà địa phương đã từng bước khắc phục thực trạng kinh tế sa sút và đưa ra giải pháp đối phó với hệ lụy dịch bệnh kéo dài, từng bước chuyển hướng chiến lược, mời gọi đầu tư, phát triển toàn diện nền kinh tế.
Ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2020 vừa qua, tỉnh đã thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký trên 7.700 tỷ đồng (tăng 12 dự án và tăng gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2019). Đặc biệt, tỉnh còn nhận được tín hiệu vui, khi đầu năm 2021, địa phương đã đón nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Năm 2021 là năm đầu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025. Lãnh đạo Sở nhận định, tình hình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động khó lường, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, có thể kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế trong nước. Do đó, Khánh Hòa cần nhận thức đầy đủ cơ hội và thách thức của xu hướng này, từ đó có biện pháp xúc tiến đầu tư mới, có tính cạnh tranh cao nhằm đón các dòng vốn đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn và phát triển kinh tế - xã hội.
Thành công của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại Khánh Hòa cũng chính là thành công của tỉnh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển kinh tế - xã hội. |
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong; nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa, mang tính động lực phát triển vùng (như dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN) Ninh Hải, KCN Dốc Đá Trắng; KCN Ninh Tịnh, KCN Vạn Thắng, KCN Nam Cam Ranh...). Từng bước chú trọng vào những hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại. Ưu tiên thu hút làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi giá trị, sản xuất; các đối tác có công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng đối với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu... Thu hút phát triển ngành logistic, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch tỉnh nhà gần như bị “đóng băng”, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút phát triển, phục hồi ngành dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ tập trung vào nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí chất lượng cao và ngành phụ trợ du lịch.
“Lãnh đạo, cán bộ chính là lực lượng nòng cốt trong mọi công tác. Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, nhất là cập nhật chính sách, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm chuyên môn cho cán bộ. Đi liền với cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là ưu tiên đào tạo nhân lực trình độ cao trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu lao động cho nhà đầu tư” - ông Nam nói.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Khánh Hòa có tiềm năng để phát triển toàn diện. Một điểm nhấn ấn tượng và tạo được hiệu ứng tích cực với các nhà đầu tư nữa chính là địa phương đã dần xác định những hướng đi có trọng tâm, tập trung xúc tiến đầu tư các đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở trong và ngoài nước.
Có thể nói, Khánh Hòa đang dần khẳng định vị thế của một đô thị mới, trung tâm du lịch lớn ở khu vực duyên hải miền Trung và ngày càng tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Chỉ cần nỗ lực thực hiện tốt những chiến lược đề ra, thì phía trước, một cánh cửa mới đang rộng mở thênh thang để Khánh Hòa hội nhập sâu rộng hơn trên trường quốc tế.
Nguồn: Vietnam Business Forum