ĐÀ NẴNG

Khu CNC và các KCN Đà Nẵng: Hướng đến mục tiêu là "Thung lũng Silicon" của Đông Nam Á

10:05:41 | 16/7/2021

Thời gian qua dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song hoạt động thu hút đầu tư tại Khu công nghệ cao (KCNC) và các Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng vẫn có nhiều điểm sáng tích cực, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Đà Nẵng trở thành địa phương hấp dẫn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên về thu hút đầu tư. Thành quả này là kết tinh của những nỗ lực vượt bậc trong công tác xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư của lãnh đạo Thành phố, Ban Quản lý (BQL) KCNC và các KCN Đà Nẵng cũng như sự tin tưởng đồng hành của cộng đồng DN, các nhà đầu tư khi lựa chọn KCNC và các KCN Đà Nẵng làm "bến đỗ". Cùng phân tích sâu hơn thông qua nội dung trao đổi ngắn với ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL KCNC và các KCN Thành phố Đà Nẵng. Thanh Tùng thực hiện.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về bức tranh thu hút đầu tư vào KCNC và các KCN Đà Nẵng tính đến thời điểm hiện nay cũng như định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới?

Trong sáu tháng đầu năm 2021, KCNC Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước với vốn đầu tư 6.291 tỷ đồng và 12 dự án FDI với vốn đầu tư 545,1 triệu USD. Tổng cộng KCNC và các KCN thu hút được 499 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 26.696 tỷ đồng và 1.744,4 triệu USD; trong đó có các dự án lớn, đầu tư vào lĩnh vực CNC như: Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Mỹ, vốn đầu tư 110 triệu USD; Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International - Nhật Bản, vốn đầu tư 35 triệu USD…

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở phạm vi trong nước cũng như trên thế giới, việc KCNC và các KCN Đà Nẵng vẫn tiếp tục đón nhận nhiều dự án FDI vào lĩnh vực CNC, công nghệ thông tin (CNTT) là một tín hiệu vui, cho thấy sự tin tưởng đồng hành của các nhà đầu tư khi lựa chọn Đà Nẵng làm "bến đỗ". Các dự án đầu tư vào KCNC Đà Nẵng khi đi vào hoạt động sẽ có những chuyển biến tích cực trong thu hút các dự án đầu tư CNC đến với Đà Nẵng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và thúc đẩy, lan tỏa sự phát triển khoa học - công nghệ trong tương lai. Với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng trong lĩnh vực công nghiệp CNC, CNTT, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn, Tp. Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành "Thung lũng Silicon" của Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nói chung mà hạt nhân là KCNC, UBND Tp. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-UBND ngày 24/7/2020 phê duyệt Đề án "Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN Tp.

Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". Mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD, có sức lan tỏa vào KCN, nâng tỷ lệ đóng góp của KCNC Đà Nẵng vào GRDP của Thành phố đạt tối thiểu 10% đến năm 2025. Đến năm 2030, phát triển KCNC Đà Nẵng đồng bộ với các KCNC Hòa Lạc và Tp.HCM, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó quyết liệt rà soát và sử dụng quỹ đất đầu tư không hiệu quả trong và ngoài KCNC&CKCN; tập trung tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm triển khai đúng tiến độ dự án KCNC và điều chỉnh, mở rộng KCNC; đẩy nhanh thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đưa vào sử dụng các KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh. Đồng thời hoàn chỉnh hạ tầng và đưa vào hoạt động CCN Hòa Khánh Nam, Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc; phát triển hệ thống nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa - xã hội hỗ trợ cho công nhân tại các KCN. Thành phố cũng sẽ phát triển hạ tầng logistics, đủ tầm vóc ở cấp quốc gia và quốc tế, có quy mô để đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường và hội tụ DN; cải cách mạnh mẽ TTHC; nhân rộng mô hình KCN tự đào tạo nghề, gắn kết các trường nghề với nhu cầu của DN; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất.

Sở dĩ nhiều nhà đầu tư tin tưởng chọn các KCNC và các KCN Đà Nẵng làm "bến đỗ", một phần nhờ lãnh đạo Thành phố, BQL KCNC và các KCN luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thân thiện và trách nhiệm. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về nỗ lực này?

Để thu hút các nhà đầu tư, bên cạnh chính sách ưu đãi vào KCNC Đà Nẵng thực hiện theo Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 4/1/2018 của Chính phủ, chính quyền Tp.Đà Nẵng nói chung - BQL KCNC và các KCN Thành phố nói riêng luôn chú trọng kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tập trung vào xúc tiến tại chỗ; trả lời kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước và các tổ chức, hội, hiệp hội khác; định hướng và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN nghiên cứu mở rộng quy mô đầu tư tại Đà Nẵng.

Cũng nằm trong mục tiêu chung kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng nơi DN có thể "sống tốt", "sống khỏe", công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được BQL KCNC và các KCN Đà Nẵng ưu tiên hàng đầu. Năm 2019, BQL tham mưu UBND Thành phố ban hành 2 Quyết định công bố TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BQL. Tiến hành niêm yết công khai các quy định về hồ sơ, thủ tục, thời gian, phí và lệ phí của Bộ TTHC tại bảng niêm yết của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên Cổng thông tin điện tử Thành phố và Trang thông tin điện tử chuyên ngành của BQL. Tất cả các TTHC đều được thực hiện qua cơ chế "một cửa", các lĩnh vực áp dụng cơ chế "một cửa" đều được xây dựng quy trình có hướng dẫn chi tiết; toàn bộ quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của người dân và DN đều niêm yết công khai tại bảng hướng dẫn và cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan.

Liên quan công tác xây dựng Chính phủ điện tử, BQL đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ để nâng cấp tất cả các thủ tục (42 thủ tục) của BQL lên mức độ 4 (trừ 07 thủ tục thuộc lĩnh vực lao động thực hiện theo hệ thống của Bộ LĐ, TB và XH ở mức độ 3).  BQL đã ban hành kế hoạch thực hiện kiểm soát TTHC và liên tục rà soát quy định, TTHC. Theo đó, thời gian giải quyết của 17 TTHC được rút ngắn; trong đó có 10 thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư, cụ thể: cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại KCNC giảm từ 25 ngày xuống còn 22 ngày làm việc; thay đổi quy trình thực hiện 7 TTHC thuộc lĩnh vực lao động (từ mức độ 2 lên mức độ 3); 2 thủ tục được bãi bỏ (cấp tạm trú, gia hạn tạm trú lao động người nước ngoài trong KCN).

Về xây dựng môi trường thuận lợi, thân thiện và trách nhiệm, BQL có nhiều hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN (thông qua website của Ban tại mục Góp ý; văn bản đến; tiếp công dân định kỳ hàng thán…). Ngoài ra, hàng năm BQL đều tổ chức Hội nghị gặp mặt DN, trong đó có tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của DN, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Thưa ông, bên cạnh các ngành công nghiệp hiện hữu thì đâu là những ngành công nghiệp tiềm năng hứa hẹn sẽ tạo cú hích cho sự phát triển của Tp. Đà Nẵng nói chung - KCNC và các KCN nói riêng trong tương lai gần?

Theo đánh giá, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng trong phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các ngành sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, chất bán dẫn. Việc có nhiều công ty nước ngoài thành lập các nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam chứng tỏ kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng phát triển của Thành phố trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Và để phát triển công nghiệp phụ trợ, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và Thành phố trong việc xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ.

Đầu tiên, Trung ương cần tạo dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh thuận lợi để phục vụ ngành cũng như DN tham gia vào công nghiệp hỗ trợ. Cần có các văn bản quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, các quy định, ưu đãi về hải quan, về chính sách thuế... Cần xem xét xây dựng các Nghị đinh, Thông tư quy định phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử; trên cơ sở đó, Thành phố xây dựng các chương trình, đề án để đưa ra các biện pháp cụ thể triển khai, có hệ thống và quy trình cụ thể như phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, khai thác thị trường…

Thứ hai, Chính phủ cần có các ưu đãi về tài chính, đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực tham gia các ngành công nghiệp phụ trợ, ban hành chính sách khuyến khích thành lập các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành tổ chức đầu mối để tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong việc dẫn dắt liên kết các DN làm công nghiệp hỗ trợ...

Thứ ba, các trường đại học, viện nghiên cứu cần phải chú trọng chương trình đào tạo gắn liền với thực tế thị trường, xây dựng một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu hoặc nghiên cứu công nghệ để đưa công nghiệp phụ trợ phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường sản xuất.

Thứ tư, quan tâm phát triển hệ thống phân phối nhằm xây dựng một thị trường nội địa vững mạnh. Hệ thống phân phối có thể cung cấp đầy đủ, dễ dàng nhu cầu về linh kiện cho các DN, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.

Ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 158/TTg-CN đồng ý theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn Tp. Đà Nẵng vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, bổ sung KCN hỗ trợ KCNC Đà Nẵng với tổng diện tích 58,5ha (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) vào Quy hoạch phát triển các KCN quốc gia đến năm 2025. Vị trí KCN tiếp giáp với KCNC Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng và KCN Hoà Ninh sẽ tạo thành khu vực động lực phát triển kinh tế - xã hội của phía Tây Bắc Tp.  Đà Nẵng. Ngoài ra việc bổ sung và hình thành KCN hỗ trợ KCNC Đà Nẵng cũng sẽ tạo động lực thu hút, đẩy mạnh phát ngành công nghiệp hỗ trợ của Thành phố theo đúng chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Tp. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho KCNC Đà Nẵng và Khu CNTT tập trung Đà Nẵng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà nẵng

Địa chỉ: Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3666117  - Fax: 0236 3830015

Email: dhpiza@danang.gov.vn

Website: dhpiza.danang.gov.vn

Nguồn: Vietnam Business Forum