NINH BÌNH

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử vùng đất Ninh Bình

07:20:29 | 9/9/2021

Thấm nhuần tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Ninh Bình đã nỗ lực bảo tồn, lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị quý báu đó cũng giúp Ninh Bình được thế giới biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực du lịch và thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ: Các nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ học cho thấy con người đã sinh sống tại Ninh Bình từ rất sớm. Trên các vùng đất, các dân tộc đều có sự sáng tạo, kế thừa, giao thoa văn hóa. Trải qua thời gian, Ninh Bình lưu truyền nhiều dấu ấn lịch sử, văn hoá gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Ninh Bình được bảo tồn và lưu giữ nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, là nguồn tài nguyên quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có thể kể đến một số di sản văn hoá tiêu biểu, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển ở Ninh Bình như: Quần thể Danh thắng Tràng An, Khu di tích Cố đô Hoa Lư, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm, …

Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Ninh Bình cũng như các tỉnh trên khắp dải đất Việt Nam có các căn cứ cách mạng, nơi hoạt động của các nhà lãnh đạo, chí sĩ yêu nước. Ninh Bình có nhiều di tích kháng chiến đã được xếp hạng, trong đó 9 xã thuộc huyện Nho Quan đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu. 

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 1821 di tích được kiểm kê, trong đó huyện Gia Viễn: 279 di tích; huyện Yên Khánh: 222 di tích; huyện Yên Mô: 286 di tích; huyện Nho Quan: 317 di tích; huyện Hoa Lư: 272 di tích; huyện Kim Sơn: 188 di tích; thành phố Tam Điệp: 61 di tích; thành phố Ninh Bình: 196 di tích. 

Với những nỗ lực trong bảo tồn và lưu giữ, tính đến cuối năm 2020, Ninh Bình có 370 di tích được xếp hạng, gồm 289 di tích cấp tỉnh, 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia trở lên, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Núi Non Nước). Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An (đang lưu giữ 05 bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, nghệ thuật) được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Sự kiện quan trọng này đã khẳng định kết quả của công tác bảo tồn di sản, đặt ra vấn đề quan trọng về bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ở Ninh Bình và mở ra cơ hội khai thác giá trị di sản làm tài nguyên để phát triển du lịch, giao lưu văn hoá trong nước và quốc tế. 

Ninh Bình hiện có 466 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là tài nguyên có ý nghĩa quan trọng để khai thác phát triển du lịch, tạo nên sức hút đối với các điểm đến du lịch, là phương tiện để thực hiện giáo dục truyền thống, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, phát triển đời sống văn hoá tinh thần, tạo động lực để phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội ở Ninh Bình nói riêng, đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hàng năm Ninh Bình có hàng trăm lễ hội được tổ chức ở các cộng đồng dân cư, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng, trong nước, quốc tế. Có những di sản phi vật thể có sức ảnh hưởng rộng rãi, được quảng bá giới thiệu đến nhiều quốc gia trên thế giới như: nghệ thuật hát xẩm, nghệ thuật hát chèo, nghề thêu Ninh Hải, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề cói Kim Sơn, ... Nếu các làng nghề truyền thống được đầu tư phát triển thành một mũi kinh tế riêng biệt thì ở lĩnh vực nghệ thuật, các loại hình hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn, ngoài việc phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân, đã và đang được Ninh Bình xây dựng thành một sản phẩm văn hoá phục vụ phát triển du lịch.

Từ năm 1998 đến nay, Ninh Bình đã phối hợp với các viện nghiên cứu của Trung ương thực hiện hơn 20 chương trình dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay thực hiện 02 đề án gồm: Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019-2022”.

Bên cạnh đó, Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa, trong đó quan tâm đặc biệt đến nghiên cứu khảo cổ học. Trong các năm từ 2018 đến nay đã tổ chức 03 hội thảo khoa học, triển khai 01 đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu nhận diện Hành đô Sơn Lai thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt”; thực hiện 02 nhiệm vụ nghiên cứu gồm: “Nghiên cứu lịch sử vùng đất Gia Thuỷ từ đầu công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt”; “Nghiên cứu khảo cổ học vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư từ đầu công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt”.
 

Bên cạnh thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, an toàn, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các cấp, các ngành của tỉnh hoàn thành nhiều đề án, chương trình, đặc biệt đã tổ chức thành công “Lễ khai mạc năm du lịch quốc gia Hoa Lư – Ninh Bình 2021”. Sở đang dự thảo trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa Ninh Bình, trong đó tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Kết quả thực hiện “mục tiêu kép” của ngành Văn hóa - Thể thao đã góp phần tạo sức hút khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình trong 6 tháng đầu năm 2021. Riêng đối với Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư ước đón 69.653 lượt khách và doanh thu đạt 1.147.020.000 đồng. 

Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý giá góp phần tạo nên sức hút, hình ảnh, giá trị của du lịch Ninh Bình. Đó sẽ là tiền đề để du lịch Ninh Bình bứt phá trong thời gian tới, mang lại những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: Vietnam Business Forum